Dự báo ngành bán lẻ sẽ "tỏa sáng" trong năm 2024

Kinh doanh
08:25 AM 01/01/2024

Bán lẻ là ngành được Chứng khoán MBS dự báo sẽ "tỏa sáng" trong năm 2024 với mức tăng trưởng lợi nhuận 129%.

Trong báo cáo chiến lược năm 2024, MBS kỳ vọng, trong năm 2024 lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với cùng kỳ, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý 3 và quý 4 của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.

Dự báo ngành bán lẻ sẽ "tỏa sáng" trong năm 2024- Ảnh 1.

Những nhóm ngành được MBS kỳ vọng dẫn đầu đà tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2024 là bán lẻ (+129%), vật liệu xây dựng (+40%), điện (+39%), ngân hàng (+25%), thực phẩm đồ uống (+24%), công nghệ (+21%). Ngược chiều một số nhóm ngành như BĐS dân cư, dầu khí có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2024.

Đặc biệt, bán lẻ là ngành được MBS dự báo sẽ "tỏa sáng" trong năm 2024 với mức tăng trưởng lợi nhuận 129%. MBS kỳ vọng sức mua được kỳ vọng sẽ cải thiện kể từ quý 3/2024 nhờ vào sự phục hồi của sản xuất cũng như môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích tín dụng trở lại. Theo đó, ngành bán lẻ sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 2 lần trong năm 2024 từ nền thấp 2023, song sẽ có sự phân hóa theo từng mảng khác nhau.

Trong báo cáo ngành bán lẻ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) vừa được công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. “Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.

Ngành bán lẻ ICT kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng trung bình 3 lần so với cùng kỳ khi cuộc chiến giá lớn nhất kết thúc, kết hợp với sức mua hàng không thiết yếu phục hồi từ cuối năm 2024. Ngành trang sức vàng được dự báo lợi nhuận tăng 6% so với mức nền cao của năm 2023 từ việc phát triển thêm các tệp khách hàng mới ở các phân khúc khác nhau và linh hoạt bắt kịp các xu hướng mới. Ngành bán lẻ dược phẩm cũng có lợi thế từ khả năng mở mới cửa hàng và kiểm soát chi phí bán hàng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm.

Các chuyên gia kinh tế cũng chob iết, nhiều quyết sách đã được đưa ra để kích thích nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng được hưởng lợi như: giảm lãi suất, giảm nhiều loại thuế, phí… Theo đó, áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với năm trước được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện.

Lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho doanh nghiệp củng cố nghị lực, vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ cải thiện tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo nửa cuối năm 2024, tăng trưởng của thị trường bán lẻ mới phục hồi hoàn toàn. Xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn