Dự báo sản xuất công nghiệp tháng 2 tiếp tục giảm
Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 2/2023 sẽ tiếp tục có diễn biến giảm.
Dự báo trên của các chuyên gia BVSC dựa trên kết quả của tháng đầu năm 2023. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này. Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô,... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới. Do đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 01/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 1 ghi nhận ở mức 47,4 điểm. Chỉ số PMI đã tăng nhẹ so với mức 46,4 điểm trong tháng trước do tốc độ giảm của cả 3 yếu tố chính là sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều đã chậm lại và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tháng.
Dù vậy, đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số PMI ở dưới mức 50 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp kém tích cực trong khi lĩnh vực này chiếm tới 25% GDP của Việt Nam.
Trước nhiều khó khăn thách thức, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng và nguồn lao động; tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm công nghiệp để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1... đi vào vận hành; rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm về điện, năng lượng tái tạo; bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết với các doanh nghiệp FDI để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng, chú trọng mở rộng và phát triển thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Minh An (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.