Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, năm 2024 từ 6 - 6,5%
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu NSNN phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Với năm 2024, Chính phủ cho rằng cần tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Kế hoạch này có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...
“Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023”, Chính phủ dự báo.
Về tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh khó khăn nhưng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rà soát lại các phương án dự báo đạt khoảng 5% trong năm nay, và cho rằng tuy không đạt nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng. Và Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, vì tinh thần chung của Chính phủ quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.
Về một số chỉ tiêu quan trọng, Chính phủ và các bộ ngành sẽ cố gắng đạt các chỉ tiêu về: tốc độ tăng trưởng và GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP hay năng suất lao động, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.