Dự báo thương mại điện tử năm 2025 sẽ vượt mốc 31 tỷ USD
Năm 2024, thương mại điện tử đã vượt mốc 25 tỷ USD. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ vượt 31 tỷ USD trong năm 2025.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, năm 2024 ngành thương mại điện tử Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 18 - 20%, vượt mốc 25 tỷ USD. Như vậy, TMĐT Việt Nam đã tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Cuối năm 2024, TMĐT đã đạt doanh số khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành TMĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.
Dẫn chứng, các sàn TMĐT như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt gia nhập vào thị trường Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, độ bao phủ rộng, xuyên biên giới.
Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm và được đánh giá cao xếp vào hàng đầu thế giới. Dự báo năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD. Tỷ lệ dân số tham gia TMĐT chiếm khoảng 60%, giá trị mua sắm trung bình ước đạt 400 USD/người/năm.
Kênh AppotaPay (dịch vụ kết nối thanh toán online) cũng đưa ra dự báo xu hướng TMĐT năm 2025 tại Việt Nam: Hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ. Trong khi đó, có đến 25% người tiêu dùng mua sắm online và 21% mua ngay lập tức. Dự báo năm 2025, TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tỷ trọng của thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số nước ta. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, song vẫn còn tồn tại hạn chế cần khắc phục. Hiện cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Chưa có quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và những vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams…
Năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho thương mại điện tử.
Tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống. Tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật, chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, tăng cường ứng dụng công nghệ và cải thiện dịch vụ khách hàng.
Minh An (t/h)Đội ngũ phân tích SHS đã đưa ra chiến lược phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2025, đặc biệt là cổ phiếu, vàng SJC, tiền gửi, trái phiếu...