Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022
Là một trong những mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu tỷ đô trong 5 tháng đầu năm, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021, tuy nhiên tính chung 5 tháng, xuất khẩu sản phẩm gỗ vẫn đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, hiện, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ... đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như tình hình dịch COVID-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động, xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp ngành gỗ đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Nhờ đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định.
Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức. Đáng chú ý, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.
Để tăng tốc xuất khẩu, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.
Bên cạnh đó, dù cơ hội mà các FTAs mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn tuy nhiên, do một số hạn chế, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các cơ hội này, chính vì vậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường có FTAs với Việt Nam chưa có nhiều bứt phá. Do đó, để hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, cần sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại…
Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh việc khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do cần tiếp tục chú trọng bên cạnh việc áp dụng các giải pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài...
HM (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.