Dự báo xuất khẩu hạt tiêu tiếp tục bứt phá trong năm 2022
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực kép do tình trạng thiếu nhân công và chi phí cước vận tải biển tăng cao, xuất khẩu hạt tiêu năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Năm 2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vẫn lạc quan xuất khẩu hồ tiêu sẽ đạt kim ngạch cao nhờ lợi thế về giá và sản lượng đều tăng.
Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu tăng 42% về giá trị
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 tăng 22,9% về lượng, nhưng giảm 8,5% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.703 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 11/2021 và tăng mạnh 69,9% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Hạt tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với việc cung cấp 60% nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu của thế giới. Chất lượng hạt tiêu ngày càng được nâng cao, cơ cấu chủng loại xuất khẩu chuyển dần sang các loại tiêu có hàm lượng chế biến cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây.
Từ năm 2021, giá hồ tiêu trên thế giới bất ngờ bật tăng trở lại và người trồng hồ tiêu phấn khởi khôi phục lại diện tích trồng. Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn trên thế giới tăng mạnh đã tạo đà cho giá hồ tiêu trong nước liên tiếp lập đỉnh mới, tăng từ 40-44%, từ mức giá 51.000-53.000 đồng/kg (tháng 2.2021) lên mức 76.000-79.500 đồng/kg ở nhiều tháng sau đó. Đặc biệt, cuối tháng 10/2021, giá hồ tiêu đã lập "đỉnh" 90.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất kể từ cuối năm 2017.
Triển vọng xuất khẩu hồ tiêu lạc quan trong năm 2022
Về triển vọng năm 2022, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hạt tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng do cung - cầu hạt tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.
Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã thích nghi và tìm ra phương án xúc tiến thương mại phù hợp, hiệu quả, nên xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, hồ tiêu nói riêng sẽ có nhiều đột phá trong năm 2022 này.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định: Năm 2022, giá xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, doanh nghiệp được hưởng lợi từ yếu tố này dù số lượng hồ tiêu xuất đi có thể giảm sút (giả thiết).
Tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Châu Âu (EU), UAE dự báo nhiều tín hiệu lạc quan. Đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, dù Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên số lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Dự báo về triển vọng xuất khẩu hồ tiêu trong năm 2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) lạc quan xuất khẩu hạt tiêu sẽ bật tăng ngay từ quý I/2022 bởi ước tính nhu cầu thu mua trên thế giới khoảng từ 130.000-160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn. Hơn nữa, chất lượng hồ tiêu đang được cải thiện và VPA đang hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng mỗi năm mang về trên 3 tỉ USD này.
HM (T/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.