Dự báo xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sẽ sớm cán đích 55 tỷ USD
Đến hết quý III, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 46,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới chỉ qua 3/4 thời gian của năm, nhưng ngành nông nghiệp đã hoàn thành 84% mục tiêu cả năm.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều có kết quả tích cực. Trong đó, rau quả và cà phê là hai mặt hàng có sức tăng mạnh, với gần 40% so với cùng kỳ.
Về thị trường, Hoa Kỳ vươn lên dẫn đầu với thị phần hơn 21%, Trung Quốc 20% và Nhật Bản 6,6%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam sang ba thị trường này đều tăng từ 10-20%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9, xuất khẩu rau quả thu về gần 1,2 tỷ USD, tăng mạnh gần 73% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành hàng rau quả ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 1 tháng vượt mốc 1 tỷ USD. Con số này cũng vượt xa kim ngạch của ngành thuỷ sản (920 triệu USD) và gần bằng nhóm gỗ và sản phẩm gỗ (1,25 tỷ USD) trong tháng 9 vừa qua.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu rau quả mang về gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và chính thức xô đổ kỷ lục lịch sử 5,6 tỷ USD của cả năm ngoái.
Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng đã thu về 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Kết quả này có được nhờ việc tích cực mở cửa và thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Lễ hội trái cây Việt Nam vừa diễn ra lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Gần 30 doanh nghiệp lớn xuất khẩu trái cây vào thị trường này tham gia lễ hội nhằm tìm cơ hội để đẩy nhanh xuất sâu vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối lớn tại phía Bắc Trung Quốc - nơi mà trái cây Thái Lan chiếm ưu thế. Tiềm năng khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn bởi hiện nay trái cây Việt Nam chủ yếu xuất và tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Nam gần kề Việt Nam.
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan.
Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với hơn 65% thị phần. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,8% và 4,5%.
Những con số này sẽ còn tăng cao hơn, nếu việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được giải quyết nhanh và hiệu quả. Đến nay, cả nước mới chỉ cấp được khoảng 708 mã số vùng trồng sầu riêng với gần 24.000 ha, đạt chưa tới 7% tổng diện tích sản xuất. Việc thiếu hụt tấm giấy thông hành quan trọng này sẽ cản trở sự tăng trưởng của cả ngành rau quả.
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm nay được dự báo sẽ sớm cán đích 55 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức trong những tháng cuối năm vẫn còn đó. Mưa bão, thiên tai đã gây ra những thiệt hại trong thời gian qua, sụt giảm nguồn nguyên liệu hay giá cước tàu biển tiếp tục tăng cao sẽ là những vấn đề cần giải quyết để giữ vững sức tăng trưởng như đã đạt được.
Huyền My (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.