Dự báo xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Sáng 10/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2024. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ (tăng 13%).
Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
"Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá XK và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến XK thủy sản Việt Nam trong năm 2024", VASEP đánh giá.
Theo VASEP, các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới từ Biển Đỏ đến vịnh Aden bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông. Lâu nay, eo biển Mandab - một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới với năng lực xử lý khoảng 15% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu - đã bị gián đoạn đáng kể do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu hàng trong thời gian qua. Phần lớn các tàu hàng vẫn tránh di chuyển vào khu vực Biển Đỏ, với số lượt di chuyển hàng ngày giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện VASEP cũng phân tích những thách thức mà các nhóm ngành chính đang phải đối mặt. Theo đó, đối với ngành tôm, việc ứng phó với thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Mỹ hiện vẫn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, chịu áp lực.
Đối với ngành cá tra, hiện thách thức lớn nhất là giá xuất khẩu ở mức khá thấp. Thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam là EU đang có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại.
Đối với ngành hải sản, hiện nay vấn đề “thẻ vàng IUU” vẫn là một gánh nặng gây áp lực đến nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lượng thủy sản tồn kho ở các thị trường, bao gồm cả các mặt hàng như tôm, cá, surimi vẫn là một cản trở chính đối với chiến lược của các nhà kinh doanh nhập khẩu thủy sản trong năm nay. Việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập.
Tuy vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
Huyền My (t/h)Chiều 10/9, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Ba Vì.