Dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông còn lớn

Xuất nhập khẩu
11:05 AM 19/01/2023

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hồng Kông (Trung Quốc), còn Hồng Kông là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 5 tại Việt Nam.

Việt Nam và Khu Hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) có quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư bền vững và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu, trao đổi thương mại song phương vẫn tăng trưởng khả quan.

Dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông còn lớn - Ảnh 1.

Dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông còn lớn. Ảnh: Internet

Đầu tuần này, một đoàn hơn 70 doanh nhân, doanh nghiệp từ Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc) đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh tế.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Phạm Bình Đàm, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông cho hay, doanh nghiệp Hồng Kông có tiềm lực tài chính mạnh và đã có quá trình đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Điều đó lý giải tại sao Hồng Kông là đối tác thương mại lớn và là nhà đầu tư lớn của Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hồng Kông. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hồng Kông 10 tỷ USD, nhập khẩu từ Hồng Kông 1,78 tỷ USD, tăng 19,8%. 

Về quan hệ hợp tác đầu tư, Hồng Kông hiện đứng thứ 5 về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với 2.164 dự án, tổng vốn đầu tư gần 29,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, kinh doanh bất động sản...

Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông đã phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương thông qua nhiều hình thức: phối hợp tổ chức các hội thảo nhằm cập nhật, phổ biến thông tin và tư vấn về thị trường tới các doanh nghiệp trong nước.

Thương vụ quảng bá các sản phẩm xuất khẩu và môi trường đầu tư của Việt Nam trong các kỳ hội chợ, hội thảo, hoạt động đối ngoại tại địa bàn; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các thương hội, hiệp hội doanh nghiệp uy tín tại Hồng Kông để tư vấn về nhu cầu đầu tư và xúc tiến thương mại với Việt Nam; hỗ trợ và tư vấn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên trong phát sinh tranh chấp thương mại...

Thương vụ cũng chú trọng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Hồng Kông có hoạt động nhập khẩu, phân phối hàng hóa Việt Nam với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đặc biệt nhóm hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng chất lượng cao để thương hiệu Việt Nam từng bước mở rộng và xâm nhập thành công tại thị trường.

Tại Hồng Kông, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam xuất phát từ hai lý do chính là chuyển khẩu (Hồng Kông là trung tâm tài chính thứ ba và thị trường trung gian xuất khẩu đứng thứ chín toàn cầu) và tiêu dùng nội địa.

Hàng hóa của Việt Nam có nhiều thế mạnh khi xâm nhập thị trường này do điều kiện địa lý gần gũi, thuận tiện vận chuyển hàng hóa bằng cả đường biển và đường hàng không; tính tương đồng trong phong tục tập quán và thị hiếu tiêu dùng, cùng với nền tảng Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông, Trung Quốc đã có hiệu lực với Việt Nam và Hồng Kông từ ngày 11/6/2019.

Vị trí địa lý gần gũi và vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thời gian vận chuyển ngắn (khoảng 2 giờ bằng đường hàng không và 3 ngày bằng đường biển) giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa của Việt Nam khi vào Hồng Kông, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản.

Mặt khác, thị trường Hồng Kông không áp dụng thuế hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 4 loại hàng hóa là rượu uống, thuốc lá, xăng dầu và rượu metylic), đồng thời do không tự sản xuất hàng nông, lâm, thủy hải sản mà hầu hết phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu nên Hồng Kông không đặt ra các rào cản thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn