Dự đoán giá dầu sẽ lên 100 USD/thùng trở nên hoang đường?
Mặc dù OPEC+ đã liên tiếp thất bại không đi đến thỏa thuận nào sau mấy phiên họp dở dang vào đầu tháng 7 vừa qua, song một sự thống nhất giữa các thành viên của nhóm nhằm nhằm tăng sản lượng dầu thô từ tháng 8/2021 luôn là kết quả có khả năng xảy ra nhất, và điều đó đủ để chấm dứt những đồn đoán rằng giá dầu thô sẽ tăng lên 100 USD/thùng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Hôm Chủ nhật (18/7), OPEC đã bất ngờ thông báo đã đi đến thống nhất sẽ nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8 – 12/2021, mục tiêu khôi phục toàn bộ sản lượng mà nhóm đã cắt giảm trong đại dịch Covid-19.
Riêng đối với Nga, Phó Thủ tướng Nga cho biết nước ông sẽ bắt đầu tăng sản lượng hàng tháng thêm 100.000 thùng/ngày từ tháng 8 tới và đạt được mức sản xuất như trước thời kỳ khủng hoảng vào tháng 5/2022. Nga sẽ sản xuất thêm khoảng 21 triệu tấn dầu trong năm nay và năm sau.
Đồng thời, nhóm cũng nhất trí phân bổ hạn ngạch sản lượng mới từ tháng 5/2022, giải quyết bất đồng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - vốn muốn được nâng hạn ngạch sản lượng cơ sở của mình lên. Theo đó, kể từ tháng 5/2022, hạn ngạch sản lượng cơ sở của UAE, Iraq, Kuwait và Nga sẽ được tăng lên. UAE sẽ chứng kiến mức tăng sản lượng cơ sở thêm khoảng 332.000 thùng/ngày từ tháng 5 năm sau, trong khi Saudi Arabia và Nga tăng 500.000 thùng/ngày, và Kuwait tăng 150.000 thùng/ngày.
Hạn ngạch sản lượng cơ sở là căn cứ để xác định hạn ngạch sản lượng của mỗi nước thành viên trong OPEC khi khối điều chỉnh sản lượng.
OPEC cũng có kế hoạch chấm dứt tất cả các hạn chế sản lượng vào tháng 9 năm 2022. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào tình trạng của thị trường dầu toàn cầu vào thời điểm đó. Các thành viên của OPEC sẽ tiếp tục tiến hành thảo luận hàng tháng, trong đó có một cuộc rà soát thị trường vào tháng 12 tới. Cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo của OPEC sẽ diễn ra vào tháng 9.
So với trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, sản lượng khai thác dầu của OPEC hiện đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày. Mặc dù vậy, cho tới gần đây, Saudi Arabia và UAE vẫn mâu thuẫn về sản lượng cơ sở, khiến kế hoạch nâng sản lượng của OPEC rơi vào bế tắc, khiến cho giá dầu biến động mạnh từ đầu tháng 7 tới nay, sau khi trước đó đã tăng 45% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh
Giá dầu giảm mạnh sau khi OPEC vượt qua chia rẽ nội bộ và thống nhất tăng sản lượng, làm dấy lên lo ngại về việc thị trường sẽ dư thừa dầu thô do số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh ở nhiều quốc gia.
Cuối chiều nay 19/7 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 2,01 USD, tương đương 2,7%, xuống 71,58 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 2,06 USD, tương đương 2,8%, xuống 69,75 USD/thùng.
Nhà phân tích Julius Baer của Carsten Menke cho biết: "Khả năng sản lượng bổ sung trong dài hạn từ các nước OPEC là lý do chính khiến giá dầu đang giảm nhanh trở lại". Theo ông: "Chúng tôi vẫn cho rằng thị trường dầu mỏ đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng".
Đường cong giá dầu Brent kỳ hạn tương lai đi xuống sau khi OPEC đạt được thỏa thuận về tăng nguồn cung
Nguồn cung dầu thô tăng có tương đương với mức hồi phục nhu cầu?
Khi tình trạng bế tắc của OPEC được giải quyết và nguồn cung dầu thô ra thị trường toàn cầu sẽ tăng lên, câu hỏi đặt ra lúc này là nguồn cung tăng có át đi những tác động tích cực từ nhu cầu hồi phục? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó trả lời.
Câu chuyện lạc quan vẫn là nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, với nhiều quốc gia mở cửa trở lại, nhiều người dân được tiêm vaccine Covid-19, họ đi lại nhiều hơn, bao gồm cả đi du lịch.
Câu chuyện giá giảm khi nguồn cung tăng có thể đang xảy ra, nhưng sẽ không diễn ra quá nhanh và đều khắp mọi nơi, bởi sự hồi phục ở Bắc Mỹ và Châu Âu nhanh hơn là ở Châu Á, và đặc biệt chậm ở các nước đang phát triển thuộc Châu Phi và Nam Mỹ.
Chỉ mới gần đây, nhiều tổ chức dự đoán giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng, có thể đạt 100 USD/thùng, khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch. Thậm chí Goldman Sachs còn cho rằng các nước sản xuất dầu nên nhanh chóng tăng nguồn cung để đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, bằng chứng cho thấy giá dầu sẽ giảm là nhu cầu đang chậm lại, nhất là ở Châu Á – khu vực nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 theo ước tính của Refinitiv Oil Research là 22,59 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 23,78 triệu thùng/ngày ở tháng 6/2021 và 23,04 triệu thùng/ngày ở tháng 5.
Mặc dù các con số này chỉ là ước tính, và có thể được điều chỉnh tăng lên khi kết thúc tháng 7, song đó là những bằng chứng ban đầu cho thấy nhu cầu dầu thô ở Châu Á còn cách xa quỹ đạo đi lên.
Điểm yếu về nhu cầu trong tháng 7 này là nhu cầu giảm ở Án Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ 2 khu vực sau Trung Quốc. Ấn Độ sẽ nhập khẩu khoảng 3,33 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm so với 4,14 triệu thùng/ngày ở tháng Sáu. Sự sụt giảm phần lớn được cho là do đợt bùng phát số ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ trong những tháng gần đây, khiến nhu cầu nhiên liệu bị cắt giảm khi các lĩnh vực của nền kinh tế bị đóng băng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Không riêng Ấn Độ, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 dự báo ở mức 9,55 triệu thùng/ngày, cũng giảm so với mức 9,81 triệu thùng/ngày của tháng 6, trong khi Nhật Bản dự kiến sẽ nhập 2,01 triệu thùng/ngày, giảm từ 2,27 triệu thùng/ngày.
Trong số bốn nhà nhập khẩu hàng đầu ở châu Á, chỉ có Hàn Quốc, nước có khả năng vượt Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 trong khu vực, được dự đoán là sẽ tăng nhập khẩu dầu thô tháng Bảy so với tháng Sáu, mặc dù mức tăng không đáng kể, với tổng nhập khẩu trong tháng 7 ước khoảng 3,17 triệu thùng/ngày trong tháng 7 so với 2,76 triệu của tháng trước đó.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc DiệpCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.