Du khách quốc tế vẫn chưa 'mặn mà' với du lịch Việt
Sau một tháng thí điểm đón khách quốc tế, vẫn chưa nhiều du khách đến Việt Nam. Theo các doanh nghiệp hàng không, lữ hành và điểm đến, cản trở lớn nhất lúc này với du khách là quy định cách ly dài ngày, thủ tục cấp phép, nhập cảnh rườm rà.
Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam sẽ thí điểm khôi phục 9 đường bay thương mại nối với Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.
Đây được xem là điểm sáng cho ngành du lịch sau một thời gian chỉ được thực hiện các chuyến bay charter. Tuy nhiên, tương lai cụ thể vẫn còn bỏ ngỏ bởi hàng loạt nút thắt chưa được tháo gỡ.
Yêu cầu cách ly quá chặt với du khách quốc tế
Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo phòng, chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh qua đường hàng không, nhằm nối lại đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 1-1-2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải đáp ứng nguyên tắc chung là có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi nhập cảnh 72 giờ, trừ trẻ em dưới 2 tuổi.
Với công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (vợ, chồng, con) cần tiêm đủ liều vaccine COVID-19 trước khi nhập cảnh. Trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 sẽ được tiêm miễn phí trong thời gian cách ly.
Khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách tiêm đủ hai liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 tự theo dõi sức khoẻ và không được ra khỏi nhà hoặc nơi lưu trú trong 3 ngày; không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong 10 ngày tiếp theo, đến ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh.
Với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong bảy ngày. Thời gian này, hành khách xét nghiệm âm tính COVID-19 cần tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày.
Với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ hai liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng.
"Quy định này thật sự khó hiểu. Người dân trong nước đã tiêm đủ liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại tự do, vậy tại sao người nhập cảnh đủ những điều kiện này lại không được tiếp xúc với ai?", một chuyên gia giấu tên trong ngành đặt vấn đề.
Với hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, hành khách có "hộ chiếu vaccine" khi nhập cảnh Việt Nam từ ngày 1/1/2022 chỉ cần cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày, còn hành khách chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly 7 ngày.
Theo TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, Việt Nam nên tham khảo cách mở cửa du lịch an toàn của các nước, đặc biệt là Thái Lan. Quốc gia này hiện mở cửa cho người đã tiêm vaccine từ 63 quốc gia với chính sách visa như trước dịch bệnh. Thậm chí, ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác, tất cả khách quốc tế đã tiêm vaccine đều được chào đón, hoặc như Dubai chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR.
“Đã nói mở cửa thì phải mở đúng nghĩa, mở thực chất, không nên mở nhưng vẫn tạo ra hàng loạt rào cản, quy định, mở nửa vời làm khổ doanh nghiệp như hiện nay”, TS Lương Hoài Nam nói.
Thủ tục rườm rà
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, tính đến ngày 6/12/2021, Việt Nam đã đón 1.179 du khách quốc tế theo chương trình thí điểm. Phần lớn trong số này đến Khánh Hòa, còn Đà Nẵng, Quảng Ninh chưa tổ chức đón. Dự kiến đến hết năm 2021, Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ đón khoảng 3.500 khách, Khánh Hòa đón 11.000 khách.
Báo cáo cũng nêu rõ các vấn đề đặt ra trong quá trình thí điểm đón khách. Trong đó, về thủ tục thị thực đối với khách du lịch quốc tế, theo quy định hiện hành các doanh nghiệp đón khách du lịch quốc tế phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét. Chính sách này gây khó khăn để thu hút du khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm trước đây đã quen được miễn thị thực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, do du khách sẽ ngần ngại về thủ tục khi quyết định lựa chọn điểm đến.
Bên cạnh đó, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao, còn đối với việc đón khách du lịch quốc tế thông qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn; trong khi việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển được đánh giá rất có tiềm năng. Ngoài ra, công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã được tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam khi ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, khi chỉ có một số nước tuyên bố chấp nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và cho phép sử dụng trực tiếp.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ VHTT&DL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với khách du lịch từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 03/2020, nhằm tạo nhu cầu cho du khách và tăng tính cạnh tranh với nước trong khu vực.
Trao đổi với Zing, một chuyên gia trong ngành du lịch nhìn nhận Việt Nam nên mạnh dạn hơn với các chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế để không tụt lại trong cuộc đua mở cửa du lịch.
"Thí điểm đã được gần 1 tháng mà lượng chuyến bay chỉ đếm trên đầu ngón tay thì khó tạo ra hiệu quả rõ rệt và đủ tham chiếu để rút kinh nghiệm. Nếu trong thời gian tới quy định cách ly được nới lỏng, các hãng bay được phép khai thác nhiều hơn, hiệu quả thí điểm sẽ rõ ràng hơn và mở ra kỳ vọng khôi phục việc đón khách du lịch quốc tế, cạnh tranh điểm đến", vị chuyên gia này chia sẻ.
HM (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.