Dự kiến bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội từ 1/8

Địa phương
09:11 AM 26/07/2023

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sẽ được chuyển giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, dự kiến bắt đầu từ 1/8/2023.

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, ngày 12/10/1998. Đến nay, sau 25 năm phát triển, khu CNC Hòa Lạc thu hút 104 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng, có khoảng 30.000 nhân sự đang làm việc trực tiếp.

Dự kiến bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội từ 1/8 - Ảnh 1.

Phối cảnh tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Nguồn: MOST)

Theo bà Phạm Thị Vân Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ KH&CN), thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng đề án chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN về UBND TP. Hà Nội.

Thực hiện đề án, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội quản lý. Đến nay, dự thảo Nghị quyết đang hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Chính phủ, dự kiến sẽ trình Chính phủ trước ngày 28/7.

Bộ KH&CN đã thống nhất với UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định việc chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc về Hà Nội để thuận lợi cho việc chuyển giao, không làm ảnh hưởng gián đoạn hoạt động của Ban Quản lý KCN Hòa Lạc cũng như tác động đến Khu CNC khi thay đổi chủ thể quản lý.

Hiện nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc tiến hành rà soát tất cả các nội dung công việc có liên quan, chuẩn bị các điều kiện công việc cần thiết để có thể tiến hành bàn giao ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội quản lý và thời hạn đặt ra là sẽ thực hiện bàn giao từ ngày 1/8/2023.

Trước đó, chia sẻ về lý do chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc về Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, theo thông lệ quốc tế, Việt Nam hướng đến việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao, bắt đầu bằng Khu CNC Hòa Lạc, sau đó là Khu CNC TPHCM, Đà Nẵng. Hiện nay một số tỉnh bắt đầu nghiên cứu thành lập đề án hình thành khu công nghệ cao.

Thứ trưởng Duy cho biết, khu công nghệ cao có nhiều mô hình trên thế giới như mô hình châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản), mô hình châu Âu (như Đức, Hà Lan). Mỗi khu CNC có mục tiêu, định hướng, cách làm khác nhau.

Với Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Duy cho biết, mô hình khu công nghệ cao Hòa Lạc định hướng trở thành khu công nghệ lõi, tập trung phát triển khoa học lõi, thu hút nhiều viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu chứ không phải tập trung nhanh chóng lấp đầy bằng thu hút doanh nghiệp FDI.

Với định hướng này, Khu CNC sẽ trở thành tiềm lực cho sự phát triển của Hà Nội. “Nếu phát triển theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao thì tỷ lệ lấp đầy sẽ rất nhanh, thu hút nguồn lực lớn nhưng bão hòa sẽ rất nhanh. Việc phát triển theo định hướng khu công nghệ lõi sẽ giúp tạo dư địa, tiềm lực phát triển của Hà Nội”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, sự phát triển của Hòa Lạc trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong đó mất thời gian dài thực hiện giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, vấn đề phát triển giao thông, đô thị chưa tương xứng. 

Khi Hà Nội tiếp nhận khu công nghệ cao và giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm về giao thông thuận lợi hơn, phát triển đô thị, thành một khu đô thị khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Việc khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội có thể sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua.

Lý do thứ hai, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, giai đoạn đầu Việt Nam tập trung phát triển 1-2 khu công nghệ cao. Lúc đó TPHCM năng động, nguồn lực tốt nên xây dựng được. Với Khu CNC Hòa Lạc, Bộ KH&CN triển khai, Việt Nam vừa làm vừa hoàn thiện thế chế. Đến nay các địa phương đã có kinh nghiệm. Bộ KH&CN được Chính phủ giao nhiệm vụ mới là thúc đẩy phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước.

Đánh giá về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: "Đây là khu công nghệ cao quốc gia, cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực công nghệ mạnh; hình thành được hệ sinh thái tương đối đầy đủ, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghiệp, các tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo... Đây có thể là mô hình để các địa phương trong vùng tham khảo".

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.