Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10%
Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).
Trong đó, tình hình thị trường hàng hóa tháng 11 không có biến động bất thường. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm, cùng với hiệu quả từ những giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ.
Trong thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Thực hiện Chỉ thị nêu trên, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 01 tháng 11 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg.
Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, hoạt động khuyến mại để kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước..., từng bước thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững.
Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%. Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 9,5%; Quảng Ninh tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Hà Nội tăng 6,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.
Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10 - 25% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết. Sở Công Thương các địa phương như Hà Nội, TP.HCM cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mại, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.
Huyền My (t/h)VNDirect dự báo thị trường sẽ cải thiện về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân cả năm 2025 sẽ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.