Du lịch Đông Nam Á phục hồi nhưng còn chậm
Hai năm sau khi du lịch ở Đông Nam Á tạm dừng hoạt động, du khách đang quay trở lại khi các quy tắc nhập cảnh và cách ly phòng COVID-19 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, sự phục hồi hoàn toàn còn chậm và cần thời gian dài.
Theo công ty du lịch ForwardKeys, lượng đặt vé máy bay quốc tế đến Đông Nam Á đã đạt 38% trước đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 3 này. Vào đầu năm nay, con số này chỉ ở mức dưới 10% của năm 2019.
Singapore và Philippines đang dẫn đầu về lượng đặt phòng tăng mạnh.
Bộ trưởng Du lịch Philippines Bernadette Romulo-Puyat cho biết: "Chúng tôi là những người đầu tiên bỏ qua tất cả các lằn ranh đỏ. Khách du lịch rất vui mừng vì khi đến nơi, họ được tự do đi lại".
Rabil Lian, hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch hàng đầu của Singapore, cho biết: "Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với tháng trước. Chúng tôi đang nhận được một số lượng lớn đặt chỗ". Ông Lian mới quay trở lại công việc trong ngành du lịch sau khi làm một công việc ngắn hạn để có thu nhập trong suốt đại dịch.
Các quốc gia này yêu cầu khách du lịch đã tiêm phòng chỉ cần thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trước khi đến, trong khi các yêu cầu phức tạp hơn ở Thái Lan đã khiến đất nước được yêu thích nhất trong khu vực hiện tại bị giảm nhiều sức hút.
Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy lượng đặt phòng của Singapore và Philippines lần lượt ở mức 72% và 65% của năm 2019, trong khi Thái Lan chỉ ở mức 24%.
Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết: "Xét nghiệm PCR khi đến có thể có giá 2.000-2.500 baht (60- 75 USD) và có thể còn tốn thêm rất nhiều tiền, đặc biệt là đối với khách đi theo nhóm. Điều này khiến nhiều người do dự khi du lịch đến đây".
"Nếu một quốc gia khác không yêu cầu gì đối với việc nhập cảnh, mọi người thà đến đó còn hơn bởi ít quy định và đỡ tốn thời gian hơn", Chủ tịch Marisa Sukosol Nunbhakdi nói.
Trong khi đó, đà phục hồi du lịch của châu Á vẫn đang chậm hơn nhiều khu vực khác, bao gồm châu Âu - nơi đã nới lỏng các hạn chế từ nhiều tháng trước.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết, lưu lượng di chuyển nội địa và quốc tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ đạt 68% mức năm 2019 và đạt lưu lượng trước đại dịch vào năm 2025, chậm hơn một năm so với phần còn lại của thế giới.
Ví dụ, du khách đến Singapore đã tăng gần bốn lần trong tháng 2 năm nay so với một năm trước đó, khi chính phủ nước này hạn chế nhập cảnh. Nhưng con số đó chỉ tương đương 9% lượng khách đến nước này vào tháng 2/2020 và con số năm nay còn bao gồm một lượng lớn người lao động từ Malaysia và Ấn Độ đến Singapore làm việc.
Trong khi đó, Thái Lan sẽ cần nhiều thời gian hơn, có thể đến năm 2026 để phục hồi hoàn toàn ngành du lịch.
Tại Việt Nam, lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này đã tăng gần gấp đôi trong quý I năm nay so với năm trước. Nhưng Việt Nam cũng chỉ ước tính đón được hơn một phần tư lượng khách quốc tế của năm 2019.
Justin Ong, một nhà báo người Singapore cho biết: "Tôi thấy tất cả các cửa hàng thực phẩm nổi tiếng vẫn hoạt động vì họ phục vụ được nhu cầu trong nước và tôi không cảm thấy có một khoảng trống quá lớn nào do thiếu du khách trong hai năm qua". Ông Justin Ong đã đến thăm Việt Nam vào tháng trước, chuyến đi đầu tiên của ông kể từ khi đại dịch diễn ra.
Du lịch và lữ hành ở Đông Nam Á - được biết đến với những bãi biển cát trắng, kiến trúc lịch sử và khí hậu ấm áp - đã đóng góp 380,6 tỷ USD vào GDP của khu vực vào năm 2019, chiếm 11,8%, theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới.
Đối tượng khách quốc tế đến Đông Nam Á cũng đang thay đổi. Từng là nhóm khách du lịch lớn nhất châu Á, du khách Trung Quốc vẫn chưa thể rời khỏi nước này do các lệnh phong tỏa và hạn chế đang được thực thi nghiêm ngặt.
Năm 2019, hơn một phần tư trong số 40 triệu khách du lịch đến thăm Thái Lan là người Trung Quốc. Năm nay, quốc gia này dự kiến sẽ đón từ 5 triệu đến 10 triệu lượt khách quốc tế và sẽ có rất nhiều khách đến từ những nơi như Malaysia và các nước láng giềng Đông Nam Á khác.
Trước đó, Đông Nam Á cũng đón một lượng lớn khách Nga nhưng do căng thẳng giữa Nga và phương Tây bùng lên, việc di chuyển của họ bị hạn chế và cũng khiến Đông Nam Á thiếu vắng lượng khách này.
Theo ForwardKeys, tính đến thời điểm này, một phần ba số khách du lịch đến Đông Nam Á là từ châu Âu, tăng từ 22% vào năm 2019. Còn du khách đến từ Bắc Mỹ cũng ước tính tăng hơn gấp đôi lên 21%, từ 9% vào năm 2019. Còn khách du lịch đến từ châu Á chỉ chiếm 24% cho đến nay, so với 57% vào năm 2019.
Hoài Anh (Theo Reuters)Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (10/10) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.