Du lịch Hà Nội đón 21,12 triệu lượt khách trong 9 tháng
Theo Sở Du lịch Hà Nội, 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4,45 triệu lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, các chỉ tiêu phát triển của ngành du lịch đều có mức tăng trưởng cao, vượt các kế hoạch đề ra. Tháng 9/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,16 triệu lượt khách, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 510,6 nghìn lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 360 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.663 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4,45 triệu lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 3,14 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 16,66 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 9 đạt 64,3%, tăng 6,73 % so với cùng kỳ năm 2023; 9 tháng năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 62,6%; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, hiện Hà Nội hiện có hơn 3.760 cơ sở lưu trú với hơn 71.250 phòng, 81 khách sạn khách sạn - khu căn hộ đang trong thời hạn được công nhận hạng từ 1-5 sao. Trong đó có 22 khách sạn 5 sao với 6.478 phòng, 6 căn hộ cao cấp với 1.361 phòng; 14 khách sạn 4 sao với 1.956 phòng, 2 căn hộ cao cấp 4 sao với 454 phòng.
Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ thương mại du lịch được đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến từ các thị trường khách quốc tế trọng điểm đồng thời đã gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Để thu hút du khách quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố bằng 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời triển khai đa dạng các hình thức truyền thông và các nền tảng số, trang website, nền tảng mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok…
Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đền Quán Thánh…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục, tham mưu, quản lý lĩnh vực du lịch, nghiên cứu thị trường, phối hợp hiệu quả ba bên: nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu, điểm tham quan du lịch; tư vấn hỗ trợ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường, dự báo xu thế phát triển du lịch của thị trường nội địa và quốc tế nhằm đáp ứng những yêu cầu quản lý, điều chỉnh kịp thời, linh hoạt chính sách phát triển du lịch của thành phố phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời cung cấp thông tin, định hướng phát triển cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ngành du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế. Đổi mới xây dựng, phát triển, kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của Hà Nội.
Phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đặc trưng, hình thành các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Sở Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phân khu xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm tại các khu vực: Sơn Tây - Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa.
Trong tháng 10 và những tháng cuối năm, Sở tập trung triển khai sự kiện Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024; đồng thời, xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội...
Thương HuyềnSau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng hơn 56%.