Du lịch hè 2021 'đóng băng' vì dịch COVID-19

Tiêu dùng và Tiếp thị
06:15 PM 17/06/2021

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vào đúng dịp Hè đã dập tắt hy vọng để ngành du lịch phục hồi, thậm chí còn bế tắc nặng nề hơn.

Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đột ngột kéo đến đã khiến ngành du lịch một lần nữa "chao đảo". Đợt dịch lần này được đánh giá nguy hiểm hơn nhiều, bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay, lại ngay trước cao điểm mùa du lịch Hè 2021. Nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội khiến mọi hoạt động du lịch, đi lại tiếp tục đóng băng.

Du lịch hè 2021 'đóng băng' vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè. Ảnh minh họa: Int.

Hiện tại, nhiều công ty đã phải cắt giảm dần nhân sự, hoạt động cầm chừng và cố gắng cầm cự để giữ thương hiệu. Có nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác một cách tạm thời, thậm chí tạm ngưng hoạt động hoàn toàn. Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 5/2021 có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành nội địa đã tạm ngưng hoạt động.

Các chuyên gia nhận định, sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, do đó nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí sẽ suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch. Hơn một năm qua, doanh nghiệp du lịch đã thay đổi linh hoạt để thích ứng và kích cầu nhưng lần này thì không còn con đường nào khác, chỉ còn mong manh hy vọng vào các chính sách “giải cứu” du lịch của Chính phủ.

Hiện tại, dịch bệnh trở lại lần thứ 4 khiến hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè.

“Du lịch hè vốn được kỳ vọng là cú hích cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm ròng rã chiến đấu với COVID-19. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này đang tước đi cơ hội đó. Các doanh nghiệp vừa phải căng mình giải quyết các trường hợp hủy, hoãn tour cho khách, vừa phải thay đổi sản phẩm, vạch ra chiến lược mới cho nửa sau của năm 2021”, chị Đào Bích Hồng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Skysea chia sẻ với Tạp chí Kinh doanh.

Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp du lịch không dám “ngủ đông”, mà cố xoay sở để duy trì hoạt động công ty, trả lương cho nhân viên, bởi hy vọng khi hết dịch, doanh nghiệp vẫn còn đủ nguồn nhân lực để hoạt động trở lại.

Du lịch hè 2021 'đóng băng' vì dịch COVID-19 - Ảnh 2.

COVID-19 lần thứ 4 ập đến đúng vào dịp Hè khiến ngành du lịch phải "đóng băng".

Số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

Nhiều công ty đã xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu, văn bản. Điều này giúp kích thích du khách đăng ký tour nhiều hơn.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lữ hành cũng nhanh chóng chuyển hướng để thích nghi trong điều kiện mới; lên kế hoạch chuẩn bị sản phẩm, chương trình tour tuyến, chờ đến khi tình hình dịch được kiểm soát.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã, đang gây ra tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống…; kèm theo đó là nguy cơ gây ra nợ xấu, nợ quá hạn vốn tín dụng ngân hàng, sụt giảm doanh số thanh toán qua ngân hàng, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, người lao động bị mất việc làm kéo dài. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành không có nguồn tiền để trả lương nhân viên.

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, để các doanh nghiệp thực sự vượt qua được khó khăn, cơ quan chức năng cần sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho doanh nghiệp lĩnh vực du lịch.

Chia sẻ với Công Thương, ông Phạm Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group cho rằng, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng khả năng phục hồi của các doanh nghiệp khiến những người trong ngành băn khoăn. Bởi ngành đã chảy máu chất xám, cạn kiệt vốn và phải ít nhất 4-5 năm nữa, thị trường quốc tế mới có thể phục hồi như năm 2019. Nếu không có chính sách phù hợp cho cả thị trường nội địa và quốc tế, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Hiện nay, do nguồn cung vaccine còn hạn chế nên nhân sự ngành du lịch Việt Nam chưa thể sớm tiếp cận với nguồn vaccine ngừa COVID-19. Vì thế, nhiều doanh nghiệp du lịch ủng hộ phương án xã hội hóa vaccine nhằm nhanh chóng tái khởi động lại ngành kinh tế và du lịch.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn