Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến thụ động ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’

Tiêu dùng và Tiếp thị
08:14 AM 15/02/2021

Sau vài năm cố gắng, du lịch Huế dần thoát xác trở thành một hoa hậu trẻ năng động và đầy sức sống, không còn đi theo tư duy ‘hữu xạ tự nhiên hương’ hoặc chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’. Huế bây giờ, không còn là nơi chỉ ghé qua mà là nơi có thể ở lại, tiêu tiền và khám phá những trải nghiệm mà không nơi nào có.

HUẾ - 'NÀNG THƠ' MỜ NHẠT CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM

Xét một cách tỉ mỉ, tỉnh Thừa Thiên Huế hay khu biệt lại là TP Huế là một trong những địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhất Việt Nam.

Đầu tiên, Huế là tỉnh thành duy nhất tại Việt Nam sở hữu tới 4 di sản văn hóa bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (1993 - di sản vật thể); Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - di sản phi vật thể); Mộc bản triều Nguyễn (2009 - di sản tư liệu); Châu bản triều Nguyễn (2014 - di sản tư liệu); và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - di sản tư liệu).

Đây là thành quả của gần 400 năm (1558 - 1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Đây cũng là chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, Huế còn hệ thống chùa chiền vô cùng nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và ấn tượng, không chùa nào giống chùa nào. Huế có những ngôi chùa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh hoặc miền Trung mà cả nước – nhất là với những Phật tử, ví dụ: Thiên Mụ, Từ Đàm, Từ Hiếu, Huyền Không Sơn Thượng và Hạ, Thiền Viện Trúc Lâm, Báo Quốc, Thiền Lâm, Thánh Duyên (Túy Vân). Huế cũng chính là kinh đô Phật giáo của Việt Nam.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 1.

Hoàng Thành Huế - biểu tượng của ngành du lịch Huế.

Thứ ba là hệ thống làng nghề phong phú – nhiều làng nghề đã được lưu truyền trăm năm và vẫn còn hoạt động buôn bán đến thời điểm này: tranh in gỗ làng Sình, nón lá Kim Long, đúc đồng ở Phường Đúc, gốm Phước Tích, nghề kim hoàn Kế Môn, hoa giấy Thanh Tiên, làng hương Thủy Xuân, bánh tét làng Chuồn, rượu gạo Vinh Thanh…

Kèm theo đó là những ngôi chợ truyền thống vẫn giữ vẹn nguyên những tập quán sinh hoạt xưa cũ của nó mặc kệ thời gian: chợ Đông Ba, chợ đồ cũ Tây Lộc, chợ bán cá tôm tươi ngon Bến Ngự, chợ làng Chuồn với món bánh xèo cá kình trứ danh, chợ phiên làng cổ Phước Tích vừa mới được phục hồi gần đây…

Thứ tư, theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì xứ Huế có tới 1.300 món gồm: món ăn dân gian, món ăn cung đình và món ăn chay. Còn theo Lê Nguyên Lưu: "Đối với người Huế, ăn uống cũng là một loại hình văn hoá và họ chia ẩm thực Huế làm hai hệ, ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian. Thật ra, ẩm thực cung đình cũng là ẩm thực dân gian nhưng được nâng tầm và đến lượt ẩm thực cung đình ảnh hưởng trở lại làm thay đổi chất lượng của ẩm thực dân gian, bởi đầu bếp cung đình cũng là những người khéo tuyển mộ từ dân gian".

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 3.

Các món chè thuộc hệ tráng miệng của Huế.

Hoặc nếu chia theo kiểu phương Tây, ẩm thực sẽ chia làm 3 loại là khai vị - món chính – tráng miệng, thì mỗi loại Huế cũng có hàng trăm món. Chỉ tính riêng tráng miệng, Huế có vài chục loại chè – bánh – mứt mà bạn phải thưởng thức một tháng mới hết. Hơn nữa, món ăn hệ cung đình của Huế cầu kỳ đến mức mà bạn không thể tưởng tượng ra được nên giá cả khá mắc vì làm ra chúng tốn quá nhiều tài năng và công phu. Còn với ẩm thực dân gian, theo nhiều du khách là ‘vừa ngon vừa rẻ’. Bạn có thể đến Cồn Hến ăn 2 ly chè và 2 tô bún hến mà chỉ mất khoảng 28.000 đồng.

Ngoài ra, cũng như nhiều tỉnh ở miền Trung, địa hình của Huế khá dốc và hẹp, khoảng cách từ núi cao đến biển sâu chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ di chuyển; nên rất thuận lợi cho các tour trong 1 ngày theo kiểu ‘lên rừng xuống biển’ hoặc ở thành phố rồi di chuyển lên rừng hay xuống biển thưởng ngoạn cảnh sắc mà mình thích.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 5.

Toàn cảnh thành phố Huế được chụp bằng flycam.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 6.

Mùa thu đầy thi vị ở Huế.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 7.

Mùa hoa ngô đồng ở Huế.

Cuối cùng, Huế còn rất nhiều đặc điểm địa lý thú vị cũng như cảnh quan đơn lẻ xinh đẹp đáng chú ý như Vườn quốc gia Bạch Mã, suối nước khoáng nóng Thanh Tân, sông Hương núi Ngự, hệ thống đầm phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô và cảng nước sâu Chân Mây… Với cảnh sắc thiên nhiên, bất kỳ mùa nào và ở đâu, du khách đều có thể tìm những điều thi vị mà không phải nơi nào cũng có.

Các công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc dọc sông Hương như Đại học Sư Phạm, trường cấp III Quốc Học – Hai Bà Trưng, bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà thời Phú Cam – nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế… Không kể bờ Nam với các ngôi nhà cao tầng như khách sạn VinPearl, bờ Bắc chỉ toàn nhà thấp tầng giống những thị trấn cổ ở châu Âu bởi Huế không cho phép người dân ở bờ này xây nhà cao hơn chiều cao Đại Nội.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 8.

VinPearl đang là công trình cao nhất ở thành phố Huế.

Tất nhiên, ‘nhân vô thập toàn’, Huế cũng vậy. Ngoài những tiềm năng vô hạn như đã kể trên, Huế cũng có những hạn chế cơ bản – đặc biệt là về thời tiết. Bởi Huế là tỉnh thành có lượng mưa gần như nhiều nhất nước trong 1 năm với những cơn mưa phùn rả rích có thể kéo dài liên tục 1 tháng, với trời đất chỉ có một màu xám xịt; đến đỉnh của mùa Hè, khi những cơn gió Lào thổi về từ dãy Trường Sơn, không khí nơi đây trở thành ‘lò bát quái’.

Đã có rất nhiều ý kiến muốn biến những bất lợi thời tiết kể trên trở thành những lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch Huế, tuy nhiên mọi việc có vẻ rất khó khăn. Hiện tại, Huế vẫn chưa phát huy được tất cả những điểm mạnh của mình và chưa khiến chúng bật lên với giá trị gia tăng đáng kể thì đừng nói đến chuyện biến điểm yếu thành điểm mạnh.

Hơn nữa, nếu chúng ta xem quãng thời gian nắng cháy và mưa gió đó là để con người – tài nguyên hồi phục, tích lũy năng lượng phục vụ du khách tốt hơn ở những tháng khác, thì chẳng có gì là lãng phí cả! Bài học quá tải của Đà Lạt hay Phukhet của Thái Lan vẫn còn rất mới.

NHỜ NỖ LỰC CỦA TOÀN TỈNH, 'NÀNG THƠ' ĐANG DẦN TRỞ THÀNH HOA HẬU

Sở dĩ, trước đó, trong bao nhiêu năm Huế vẫn mãi là một ‘viên ngọc thô’ là vì lãnh đạo tỉnh và người làm nghề du lịch chưa biết gọt giũa như thế nào cho hợp lý. Làm sao để có thể khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của Huế mà không khiến nó trở nên xô bồ - hỗn độn – rẻ tiền - xói mòn nhanh chóng là một bài toán không dễ giải. Trong lúc đi tìm lời giải, Huế vẫn cứ tiếp tục sử dụng ‘vốn tự có’, đưa du khách đi thăm Hoàng thành nghe Nhã nhạc lên chùa chiền và… hết. Tự dưng, những Di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể UNESCO mà Huế có trở thành ‘gánh nặng’ khiến họ không thể bật lên nổi.

Qua một thời gian, Huế dần trở thành địa điểm mà hầu hết khách du lịch chọn ghé qua chứ không ở lại. Lý do: Huế không có quá nhiều thứ để khám phá - trải nghiệm trong nhiều ngày, hình thức lưu trú đơn điệu không bắt kịp du thế thế giới vì ngoài khách sạn rất hiếm có resort – homestay – farmstay- ecoresort, sau 8 giờ tối thì không biết đi đâu và chơi gì… Nguồn thu của ngành du lịch Huế chỉ đến từ bán vé, ăn uống chứ ít ngủ nghỉ và giải trí ban đêm; mà 2 cái sau mới chính là nguồn thu lớn của ngành du lịch chứ không phải 2 cái đầu tiên.

Theo một thống kê trước đây, 90% du khách khi đến Huế là chọn tham quan di sản. Nếu không tính lượng khách đến Huế công tác, khách công vụ, có thể thấy, gần như 100% khách đến Huế có mục đích du lịch sẽ tham quan di sản. Mặc dù văn hóa, di sản luôn được xem là "xương sống", như "nam châm" lại không thể thay thế để thu hút khách của Huế.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 10.

Ông Lê Trường Lưu – Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Huế đã có những thay đổi đáng kể. "Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng xanh và bền vững", ông Lê Trường Lưu – Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát biểu như thế trong một bài tham luận gần đây.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 11.

Khu vực đi bộ dọc sông Hương.

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 12.

Huế đang nỗ lực phục dựng các hoạt động văn hóa - lễ tiết của cung đình nhà Nguyễn.

Những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đương nhiệm cộng với sự xuất hiện của một thế hệ trẻ làm du lịch cùng một tư duy rất khác cha anh đi trước, phần nào giúp Huế dần dần thức tỉnh và đang trên đường chạm đến vị thế vốn thuộc vệ mình trong bình diện quốc nội cũng như quốc tế.

Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt 4,8 triệu lượt, tăng gần 11% so năm trước, khách lưu trú đạt 2,2 triệu lượt, tăng 5,1%. Doanh thu ngành dịch vụ du lịch đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 9,6%. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt 12.250 tỷ đồng. Thị trường khách quốc tế duy trì ổn định, nhiều nhất vẫn là du khách đến từ Tây Âu, Bắc Mỹ, tiếp đó là khách Hàn Quốc, Thái Lan…

Năm 2020, vì Covid-19, du lịch Huế cũng bị ‘đóng băng’ – nhất là lượng khách đến từ quốc tế, giống như nhiều tỉnh thành khác. Tuy nhiên, nhờ công tác phòng dịch tốt cộng với sự may mắn, Huế chưa từng trở thành trọng điểm dịch của cả nước lần nào và cũng không bị lock-down; khiến lượng khách trong nước của tỉnh này gia tăng đáng kể. Năm 2020, Huế đã đón khoảng 1,8-2 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa, tăng 10% so với năm 2019.

ĐỐI NỘI VÀ ĐỐI NGOẠI CỦA DU LỊCH HUẾ TRONG VÀI NĂM TRỞ LẠI ĐÂY

Về đối nội

Trong vài năm gần đây, ngoài tập trung vào phát triển và trùng tu những di sản đang có, Huế còn chú trọng đến xây dựng phần hồn cho cả ngành du lịch cũng như cho văn hóa Huế nói chung bằng các hành động thiết thực.

"Cùng với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong, mỹ tục mang tính đặc thù của Huế, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng, bồi đắp, làm giàu thêm những nét văn hóa mới phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiêu biểu như: tập trung đầu tư xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thực hiện tốt phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’.

Các phong trào, như "Ngày Chủ nhật xanh", "Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng", "Huế không tiếng còi xe", "Nói không với túi ni-lon"... được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Các hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được cải thiện, ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hóa. Bước đầu, hình thành hệ thống trục không gian văn hóa đường Lê Lợi, dọc sông Hương. Xây dựng nâng cấp các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật...

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 13.

Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh".

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 14.

Hoa giấy làng nghề Thanh Tiên.

Thời gian qua, cùng với Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế văn hóa Huế, Việt Nam. Các tour du lịch làng nghề lồng ghép, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề như thôn Thanh Toàn (chằm nón), làng Thanh Tiên (hoa giấy), làng Sình (tranh dân gian)... tạo ấn tượng tốt với du khách.

Các loại hình nghệ thuật cung đình, dân gian, truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị; các hoạt động biểu diễn, giao lưu và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật cung đình đối với du khách được tổ chức.

Một số lễ hội mang nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới triều Nguyễn, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo được dàn dựng, tái hiện, như Lễ tế Nam Giao, Xã Tắc... Đặc biệt, địa phương đã tổ chức thành công mười kỳ Festival Huế - một trong những lễ hội lớn, mang tầm quốc tế về quy mô, tính chuyên nghiệp. Festival Huế đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc, tạo nên nét độc đáo cho vùng đất Huế", ông Lê Trường Lưu chia sẻ.

Ở khía cạnh khác, rất nhiều tour du lịch trải nghiệm hiện đại lẫn truyền thống được giới thiệu trong vài năm gần đây.

Về truyền thống: trải nghiệm đời sống người Huế cổ ở các tour đi nhà vườn ở khu vực Kim Long và các làng cổ ngoại ô thành phố, tham gia lễ hội chợ phiên xưa vừa được phục dựng tại làng cổ Phước Tích, thưởng thức loại trái cây độc đáo thanh trà Huế tại làng Thủy Biều, tour trong ngày khám phá từ Hoàng thành quý tộc đến nhà vườn ngoại ô dân dã…Về hiện đại: chèo thuyền SUP trên sông Hương, tham gia ‘cuộc đua kỳ thú’ với những trò chơi mạo hiểm ở khu lịch suối nước khoáng nóng Alba Thanh Tân…

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 15.

Chèo SUP trên sông Hương.

Trong thời gian sắp tới, tỉnh dự định sẽ làm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản bằng cách huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại Đại Nội và khu vực phụ cận. Tăng cường các loại hình dịch vụ trải nghiệm cung đình ở Đại Nội và các điểm di tích, kết hợp một số điểm đến sinh thái, giáo dục, tâm linh và bối cảnh phim trường trong chương trình tour truyền thống.

Phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương, cũng như hai bờ sông Hương. Xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà, sông An Cựu, sông Đông Ba…Công nhân viên chức nam làm trong ngành văn hóa đang được thử nghiệm việc mặc áo dài để đi làm và Huế cũng tính sẽ để cho những lính canh gác trong Đại Nội mặc đồ như lức xưa để làm việc.

Đa dạng hóa địa điểm lưu trú: Sau khi kiện toàn phần hồn, Huế cũng đang cấp tập ‘mông má’ thêm phần xác nhằm có một ngành du lịch năng động, khỏe mạnh và bền vững.

Ngoài hộ thống khách sạn xây từ lâu đời, hiện ở Huế không thiếu những địa điểm lưu trú hiện đại, độc đáo và thân thiện với môi trường như các resort, boutique, farmstay, eco-stay và homestay với các tên nổi bật: Eco Huế, Alba Wellness Resort by Fusion, Hue Ecolodge, Lapochine Beach Resort, Vedana Lagoon Resort & Spa, Eureka Eco, Sankofa Village Hill Resort & Sopa, Deja Vu Homestay, April Hostel, Branchiee Homestay, Lotus Homestay, Hillside Homestay…

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 16.

Một góc Vedana Lagoon Resort & Spa.

Đó là còn chưa kể các đại dự án du lịch đang trong quá trình xây dựng và khi hoàn thành, chắc chắn nó sẽ góp mặt biến đổi bộ mặt của ngành du lịch Huế.

Hồi đầu năm 2019, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu thu hút 15 dự án với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu đô la Mỹ. Theo đó, trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt hơn 100% kế hoạch đã đề ra.

Các dự án lớn bất động sản du lịch trong năm 2019 có thể kể đến như: Khu du lịch quốc tế Minh Viễn ở Lăng Cô, khu du lịch Vinh Thanh của tập đoàn BSH Tây Ban Nha, dự án Laguna giai đoạn 2, khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort của Vicoland và các đối tác…

Khu du lịch Vinh Thanh - Hue Amusement and Beach Park là dự án thuộc tập đoàn PSH Tây Ban Nha, có 100% vốn nước ngoài. Dự án xây dựng tại thôn 6 xã Vinh Thanh và thôn 3 xã Vinh An, huyện Phú Vang. Dự án có quy mô hơn 50 ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án gồm tổ hợp dịch vụ du lịch gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí như công viên nước, vườn chim, khu thương mại, trưng bày và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ đi kèm khác với quy mô đầu tư 1.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, 42 biệt thự cao cấp và các tổ hợp dịch vụ khác. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện tổ hợp khách sạn với 120 phòng.

Trong năm 2020, có thêm Khu nghỉ dưỡng 6 Miles Coast Resort Lăng Cô của công ty Quốc tế Minh viễn với tổng vốn đầu tư 368 triệu USD, dự án Bạch Mã Hill Spring Resort của Hoa Lư Group…

Về đối ngoại

Trong bối cảnh mới hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh quá trình đầu tư và triển khai các gói hạ tầng phục vụ cho du lịch thông minh, như thẻ du lịch thông minh gắn với hạ tầng giao dịch điện tử, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, xây dựng các kiốt dịch vụ thông minh phục vụ du khách, hoàn thiện phần mềm quản lý ngành du lịch.

Song song với đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến trên các trang mạng xã hội, website du lịch, quảng bá thông qua các kênh mạng xã hội, các blogger, youtuber và những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOLs).

Du lịch Huế và những nỗ lực nhằm thoát khỏi định kiến ù lì mong ‘hữu xạ tự nhiên hương’ và chỉ biết ‘sử dụng vốn tự có’ - Ảnh 17.

Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Thiên Định đang quảng bá du lịch Huế bằng MV của Hòa Minzy.

Trong khoảng vài năm gần đây, Huế đã liên tục tăng cường tần suất và phương tiện quảng bá ngành du lịch của mình thông qua mạng xã hội như Fanpage trên Facebook/Instagram và các nội dung giải trí. Trước đây, hễ muốn tìm cảnh đẹp để quay MV ca nhạc hoặc quay phim truyền hình hoặc điện ảnh, địa phương đầu tiên mà người ta nghĩ đến là Đà Lạt nhưng nay có thêm Huế.

Những MV/phim điện ảnh truyền hình nổi tiếng gần đây đã – đang quay ở Huế chúng ta có thể kể đến là: Mắt Biếc, Serie phim điện ảnh Gái Già Lắm Chiêu, Kiều, Em và Trịnh MV Sơn Tùng – Chúng ta của thiện tại, MV Hòa Minzy – Không thể cùng nhau suốt kiếp… Sau khi phim đại thắng ở các phòng vé, những địa điểm quay phim Mắt Biếc trở thành điểm tham quan 'hot' ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều chương trình đặc sắc, như tái hiện lễ Thiết Triều, khai mạc triển lãm "200 năm ngày vua Minh Mạng lên ngôi", lễ dựng nêu, triển lãm "Thơ Xuân trên kiến trúc cung đình Huế", chương trình "Hương xưa bánh Tết", lễ khai ấn đầu Xuân, biểu diễn các trò chơi cung đình và trình diễn thư pháp…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cũng nhấn mạnh: "Trong giai đoạn mới, ngành du lịch của địa phương cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức trong xác định mục tiêu phát triển, hướng đến hình thành một ngành du lịch đẳng cấp. Để làm được điều này, tỉnh đang nỗ lực để có thể thu hút những nhà đầu tư có thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần phải tự thân thay đổi, trước hết trong cách thức phục vụ theo hướng chuyên nghiệp hơn để tạo ấn tượng thật tốt đối với du khách khi đến với Cố đô Huế".

Quỳnh Như (Ảnh: FB Ơi Huế và Huế Truly Vietnam)
Ý kiến của bạn
Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025 Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025

Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.