Du lịch huyện Quảng Hòa: "Nàng công chúa" chờ được đánh thức
Nhiều du khách đã nhận xét như thế sau khi có chuyến du lịch tại huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), phong cảnh hữu tình với non xanh nước biếc còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, một nền văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc trên địa bàn được gìn giữ, những làng nghề nổi tiếng mà sản phẩm đã vang danh cả nước. Làm sao để du lịch Quảng Hòa thực sự bứt phá, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Cao Bằng đang là đích đến của Đáng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
Khi tài nguyên du lịch đang chờ được đánh thức
Quảng Hòa là một huyện biên giới nằm ở phía Đông tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng chỉ hơn 30km. Huyện được thành lập trên cơ sở sáp nhập huyện Phục Hòa, huyện Quảng Uyên và xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh theo Nghị quyết số 897/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc sáp nhập huyện đã mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch với đa dạng tài nguyên, như: Hệ thống sông, suối đa dạng đã tạo ra rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, hệ thống các con suối, thác nước tuyệt đẹp. Nền văn hóa đậm nét dân tộc Tày, Nùng được thể hiện trong đời sống sinh hoạt thường ngày của bà con; qua trang phục, công cụ sản xuất, các làn điệu dân ca; ngày hội cổ truyền của dân tộc; văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống tại mỗi địa phương. Đây là những điều kiện lý tưởng để Quảng Hòa phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
Quảng Hòa còn có lợi thế lớn chính là cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh qua địa bàn huyện. Quảng Hòa mang vẻ đẹp của vùng núi Đông Bắc với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vỹ, những dãy núi trùng điệp bên những cánh đồng xanh bạt ngàn kết hợp hệ thống hang động, sông suối tạo nên bức tranh thiên nhiên đa dạng, phong phú. Nổi bật với hồ Thang Hen, thác Thoong Chang, thác Bản Sầm, sông Bằng Giang,…
Hồ Thang Hen (xã Quốc Toản) là một điểm đến nổi tiếng khi du khách đến với Quảng Hòa. Thang Hen bao gồm 36 hồ nước ngọt tự nhiên, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét. Nơi đây có độ cao hàng ngàn mét so với mực nước biển nên được xếp vào danh sách một trong 36 hồ trên núi đẹp nhất của cả nước. Là 1 trong những hồ nước ngọt ở độ cao lớn nhất Việt Nam. Mặt hồ được ví như chiếc gương màu ngọc bích, nằm lọt giữa những tán rừng phủ xanh triền núi, cảnh quan sơn thủy hữu tình, thơ mộng.
Trông xa, dáng hồ còn tựa như một cái "đuôi ong" khổng lồ đúng như ý nghĩa của từ "Thang Hen" trong tiếng dân tộc Tày. Hồ chính có hình thoi, nơi rộng nhất là 500 m, nơi dài nhất là 2.000 m, có chỗ sâu đến hàng trăm mét. Bồng bềnh theo những con thuyền trên mặt nước, du khách có thể dạo chơi từ hồ này sang hồ khác để ngắm cảnh non xanh nước biếc thơ mộng, hữu tình gắn liền với những truyền thuyết, sự tích kỳ bí thu hút khác du lịch trong và ngoài nước. Hồ Thang Hen được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2001.
Thác Bản Sầm cũng là một địa chỉ rất được du khách yêu thích. Thác nằm cách Quốc lộ 3 khoảng 3 km, cách thành phố Cao Bằng khoảng 56 km, khuất sau ngọn núi Khau Chỉa, thuộc xóm Bản Sầm, thị trấn Hòa Thuận. Nằm trên suối Sầm Xuyên, một nhánh nhỏ hòa mình vào sông Bằng, thác Bản Sầm đẹp nhất vào khoảng từ tháng Tư đến tháng Bảy hàng năm.
Một trong những điểm kỳ thú của thác Bản Sầm là sau những tầng thác có những rãnh nước rộng. Du khách có thể ngâm mình trên những rãnh nước ấy hoặc ngắm nhìn dòng nước chảy hiền hòa từng tầng chảy xuống tạo thành màn sương trắng mỏng manh, mát lạnh. Với phong cảnh đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ và hệ sinh thái phong phú, không khí trong lành, mát mẻ, nơi đây đang trở thành điểm đến mới mẻ, thu hút du khách đến khám phá.
Du khách thập phương cũng rất thích thú khi đến thăm làng Tày Bản Giuồng, điểm du lịch cộng đồng ở xã Tiên Thành có diện tích khoảng 2.000m2, nằm bên bờ sông Hà. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm ở đây được xây dựng bằng gỗ, mái lá, tường đất và được trang trí bằng những hoa văn độc đáo.
Những ngôi nhà sàn lợp bằng ngói âm dương tựa lưng vào núi, trước mắt là cánh đồng lúa trải dài. Vật liệu làm nhà sàn chủ yếu là gỗ, nhưng hai bên vách của nhà sàn ở Bản Giuồng được bọc thêm những tấm cót. Những tấm cót do chính người dân tự đan thủ công. Đây chính là điểm nổi bật và khác biệt so với những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng.
Quảng Hòa là vùng đất có lịch sử lâu đời, văn hóa đậm đà bản sắc gắn liền với các dân tộc thiểu số sinh sống tại nơi đây, có hệ thống các di tích lịch sử, lễ hội dân gian và văn hóa ẩm thực.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Quảng Hòa có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích tiêu biểu có giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch như Di tích lịch sử "Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch biên giới ở và làm việc" nhà ông Lã Văn Ho, xã Quốc Phong, thị trấn Quảng Uyên được công nhận xếp hạng Di tích quốc gia năm 1999; Di tích Miếu Bách Linh - nơi thờ thần linh thiêng của loài vật, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trên địa bàn huyện Quảng Hòa còn gìn giữ các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Tày Nùng như Lễ hội Tranh đầu pháo (thị trấn Quảng Uyên). Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện, nét độc đáo của lễ hội là màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã và thị trấn Quảng Uyên với ý nghĩa cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Hàng năm từ ngày 30 tháng Giêng âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về trảy hội. Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành) diễn ra vào ngày 22/3 - 23/3 âm lịch hàng năm, lễ hội được tổ chức 2 năm một lần với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong lễ hội có các trò chơi dân gian được tổ chức, đặc biệt là có điệu lượn Nàng Hai đặc sắc với các điệu đón khách, mời khách và điệu giao duyên tỏ bày tình cảm. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét đặc sắc của dân tộc Tày đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 7 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,
Ngoài ra, Quảng Hòa còn có rất nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội xã Cách Linh diễn ra vào ngày 19/3 âm lịch hàng năm; lễ hội xóm Bản co (xã Triệu Ấu) diễn ra vào ngày 8/1 âm lịch hàng năm; lễ hội xóm Bản chu (xã Đại Sơn) được tổ chức vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm; lễ hội Háng Mấư (Háng Khỉ Mu) tại xã Tiên Thành; lễ hội lồng tồng Cốc Chia, Búng Thầu (xã Ngọc Động); lễ hội Lạc Diễn, Bó Mắn, Nà Luông (xã Hạnh Phúc); lễ hội lồng tồng Cổ Nông (xã Phi Hải); lễ hội Háng Chấu (Xã Cai Bộ); lễ hội Phú Nàm, Co Rào (xã Tự Do); lễ hội Nà Pheo, Bình Lăng (xã Độc Lập)…
Chợ phiên ở Quảng Hòa cũng là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán của địa phương. Đến với Quảng Hòa, du khách có thể tham gia hội chợ Háng Réng tại xã Hòa Thuận (ngày chợ phiên vào mùng 3, 8, 13, 18, 23 và 28 âm lịch), hội chợ Háng Riềng tại xã Cách Linh (ngày chợ phiên vào mùng 4 và mùng 9 âm lịch), chợ Pác Khà (chợ Quảng Uyên hiện nay), Háng Thoong (xã Ngọc Động), Háng Chấu (xã Cai Bộ),…
Mảnh đất này còn lưu giữ nhiều nét nghệ thuật dân gian các làn điệu dân tộc của người Tày, người Nùng đặc sắc là hát Then dân tộc Tày (Đàn tính), hát Phong Sư, hát giao duyên (Nàng ới), điệu Lượn Slương, điệu hát Hà Lều,...
Quảng Hòa còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề rèn ở xã Phúc Sen, nơi gìn giữ và truyền lại nghề rèn kim khí có tuổi đời hàng trăm năm hiện thu hút gần 250 lao động địa phương thường xuyên tham gia sản xuất tại 4/11 xóm có nghề rèn gồm: Pác Rằng, Phia Chang, Tiến Minh, Đâu Cọ. Đây là nghề phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú và mang lại thu nhập cao nhất.
Trên địa bàn xã Phúc Sen còn có nghề làm hương, nghề làm giấy bản, nhuộm vải chàm, dệt, đan lát… Từ các nghề truyền thống đã cho người dân Phúc Sen nguồn thu nhập đáng kể. Các nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà du khách thập phương đến nơi đây còn được tìm hiểu cách người dân giữ gìn nghề truyền thống qua đó hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An Phúc Sen.
Ngoài đặc sản đường phên nổi tiếng, đến với Quảng Hòa, du khách có thể thưởng thức các sản phẩm ẩm thực đặc biệt khác của địa phương như: Bánh dày, bánh gio, bánh gai, bánh chưng, xôi cẩm, lợn quay mác mật, cá nướng ăn kèm gỏi, kẹo lạc Ngà hoóc,... Những món ăn được người dân nơi đây khéo léo chế biến và lưu giữ hương vị truyền thống chắc chắn sẽ ghi dấu ấn trong lòng du khách.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế có vị trí xứng đáng
Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Nguyễn Thành Hải cho biết, với điều kiện như trên, định hướng phát triển du lịch của huyện xác định tập trung vào các hoạt động và sản phẩm du lịch xoay quanh hạt nhân là cửa khẩu quốc tế, các sản phẩm du lịch thu hút luồng khách theo tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng - cửa ngõ đầu tiên thông thương với Trung Quốc và là cửa ngõ quan trọng của Việt Nam và Cao Bằng. Kết nối trực tiếp với thành phố Sùng Tả với dân số gần 3 triệu người. Đây là lợi thế lớn nhất của Quảng Hòa trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế gắn với thương mại cửa khẩu. Và định hướng phát triển du lịch của Quảng Hòa luôn được xây dựng và khai thác từ trọng điểm này.
Ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa trăn trở: Sản phẩm du lịch Quảng Hòa còn đơn điệu chủ yếu mới dừng lại ở việc tham quan, du lịch huyện chủ yếu mang tính tự phát, chưa có sự liên kết và tính cạnh tranh thấp. Với lợi thế lớn về đường biên giới cũng như cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tuy nhiên, huyện lại chưa phát huy khai thác được thế mạnh để phát triển thành sản phẩm thu hút khách du lịch.
Những vấn đề, bất cập chính của du lịch Quảng Hòa là tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, tuy nhiên không độc đáo, đặc sắc, không có tính cạnh tranh cao. Chưa khai thác tối đa hiệu quả vị trí nẳm trên các tuyến du lịch quan trọng của tỉnh, có cửa khẩu quốc tế,… thiếu các sản phẩm, dịch vụ gia tăng để giữ chân du khách. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ sở lưu trú chất lượng còn thấp, chưa có cơ sở lưu trú cao cấp, chất lượng cao phục vụ khách cao cấp.
Để phát huy tiềm năng về du lịch, khắc phục những bất cập trong phát triển du lịch, Quảng Hòa đã lập Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án tạo cơ sở cho việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch góp phần phát triển du lịch huyện Quảng Hòa trở thành một ngành kinh tế có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện.
Theo Đề án, quan điểm phát triển du lịch Quảng Hòa là tận dụng lợi thế quan trọng nhất là Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, điểm dừng chân trên tuyến Trải nghiệm văn hóa bản địa xứ sở thần tiên và tuyến du lịch Hà Nội - Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí hướng đến xu thế phát triển thương mại, đầu tư, du lịch... giữa Cao Bằng với Quảng Tây nói riêng và Việt Nam với Trung Quốc nói chung để tăng cường hiệu quả của du lịch.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển du lịch huyện Quảng Hòa đến năm 2025 có những sản phẩm du lịch đặc trưng trở thành điểm đến hấp dẫn với cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ hóa, trở thành trung tâm tiếp đón, trung tâm du lịch dịch vụ và lưu trú đứng thứ 2 của tỉnh Cao Bằng. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn mang tầm Vùng và quốc gia.
Giai đoạn 2026 - 2030, Quảng Hòa đặt mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, trở thành điểm dừng chân lý tưởng, trung tâm du lịch về đêm, trung tâm tiếp đón, trung tâm du lịch dịch vụ và lưu trú hàng đầu của tỉnh Cao Bằng. Doanh thu từ khách du lịch đến năm 2030 đạt khoảng 521 tỷ đồng.
Tập trung vào 5 khâu để Quảng Hòa thành điểm đến yêu thích
Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Nguyễn Thành Hải: Nhận thức rõ thế mạnh và những yếu kém trong phát triển du lịch, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới Quảng Hòa tập trung vào 5 khâu là kết nối; thị trường; sản phẩm; cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng; nhân lực du lịch.
Về kết nối, huyện tăng cường kết nối thuận lợi về giao thông với các điểm du lịch trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, trung tâm du lịch lớn và các đầu mối phân phối khách, đặc biệt là luồng khách qua cửa khẩu Tà Lùng. Tăng cường kết nối các điểm, tuyến du lịch nội bộ trên địa bàn huyện với tuyến Trải nguyện văn hóa bản địa xứ sở thần tiên, tuyến du lịch Hà Nội - Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc,
Tập trung chú trọng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường khách và xu thế phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ đạo, các sản phẩm đặc thù của địa phương nhằm tạo ra tính độc đáo, có tính cạnh tranh cao.
Ông Nguyễn Thành Hải khẳng định huyện tập trung chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch và dịch vụ gắn với cửa khẩu quốc tế Tà Lùng; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu; Du lịch văn hóa; Du lịch cộng đồng.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương: Lễ hội nàng Hai, Lễ hội Tranh đầu pháo; Chợ phiên; Lễ hội biểu diễn nghệ thuật các dân tộc huyện Quảng Hòa; Lễ hội Tết Thanh Minh; Lễ hội ẩm thực Đông Bắc; Các lễ hội kết hợp hoạt động văn hoá, thể thao xuyên biên giới… để thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Huyện cũng coi trọng thu hút đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển các khách sạn cao cấp khu vực Thị trấn Quảng Uyên, Thị trấn Tà Lùng; các điểm vui chơi giải trí về đêm, điểm tổ chức sự kiện tại TT Tà Lùng. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật: bãi đỗ xe, đường giao thông, điểm ngắm cảnh, khu dịch vụ,… tại các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Quảng Hòa, miền cổ tích nơi miền biên viễn đang chờ du khách đến khám phá, chiêm nghiệm để thêm yêu cảnh sắc, con người hiền hòa nơi đây.
Phương LoanNgành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.