Du lịch Kiên Giang một năm bứt phá với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng
Ngày 20/12, tại Hội trường UBND tỉnh Kiên Giang, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Mở cửa, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch
Năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước mở cửa ở trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Sở Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, ngành du lịch đã tập trung tối đa các nguồn lực, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ để phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch sau thời gian dài dịch COVID-19 tác động. Các chỉ tiêu, doanh thu liên tục tăng trưởng đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song đó, Sở Du lịch cũng tham mưu Tỉnh ủy tổ chức tốt Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Phối hợp tổ chức thành công các diễn đàn kết nối doanh nghiệp, các sự kiện có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó giới thiệu những tài nguyên, sản phẩm du lịch của các địa phương, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch được đầu tư khá, chất lượng ngày càng nâng lên. Năng lực vận tải, đặc biệt là đường hàng không, đường bộ đến các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư của tỉnh được quan tâm, đã thu hút khá nhiều lượng khách du lịch đến với tỉnh và một số dự án du lịch đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Sở Du lịch Kiên Giang cũng nghiên cứu, khảo sát các khu, điểm du lịch tiềm năng, các sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chủ động trong công tác phát triển thị trường, liên kết và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Tham mưu UBND tỉnh hoàn thành các Đề án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần định hướng, thực hiện tốt các hoạt động phát triển du lịch trong thời gian tới. Công tác thẩm định, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh du lịch được triển khai nghiêm túc, đảm bảo theo quy định. Quan tâm, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật được triển khai kịp thời, qua đó đã chấn chỉnh, nhắc nhỡ và xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần tích cực vào việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh du lịch. Sự phối hợp, quan tâm của các ngành, các cấp, chính quyền và nhân dân tại địa phương trong quản lý hoạt động du lịch ngày càng hiệu quả.
Một năm vượt khó, bứt phá với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 109/KH-UBND của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và cán bộ phụ trách du lịch ở cơ sở; thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền lồng ghép vào trong các chương trình hội nghị, hội thảo và tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại các vùng miền để quảng bá các sản phẩm du lịch.
Công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm chú trọng. Nghiên cứu lập quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017.
Năm 2022, tỉnh thu hút được 1 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 1,46 ha và tổng vốn đầu tư 95,6 tỷ đồng; tính đến hiện tại, toàn tỉnh Kiên Giang thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.044 ha và tổng vốn đầu tư là 380.077 tỷ đồng; Riêng TP. Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh), với diện tích 9.656 ha và tổng vốn đầu tư là 374.479 tỷ đồng.
Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được Sở Du lịch quan tâm đào tạo nghiệp vụ cho lao động trong ngành du lịch, năm 2022 tổ chức 4 cuộc tập huấn thống kê du lịch tại TP Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên và huyện Kiên Hải.
Năm 2022, lượt khách du lịch đến Kiên Giang đạt 7.568.182 lượt, tăng 142% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đón trên 223.135 lượt; doanh thu từ du lịch đạt trên 10.585 tỷ đồng, tăng 230,9% so với cùng kỳ. Tổng số cơ sở lưu trú trong tỉnh hiện tại có đăng ký là 920 cơ sở với 31.900 phòng. Phối hợp với Tổng cục Du lịch thẩm định hạng 5 sao đối với cơ sở lưu trú tại TP Phú Quốc, thẩm định 1 hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh thuộc huyện Kiên Lương. Tổng số thẻ đang hoạt động là 229 thẻ hướng dẫn viên du lịch và toàn tỉnh có 74 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành... Định kỳ tham dự đối thoại với doanh nghiệp du lịch nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh; đặc biệt tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh về du lịch (lưu trú, lữ hành, khu, điểm du lịch...).
Song song đó, Sở cũng thực hiện tốt công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho hoạt động du lịch cũng như trong các sự kiện, lễ hội, nghỉ Lễ, Tết trên địa bàn tỉnh…. Năm 2022 tổ chức được 7 cuộc kiểm tra, thanh tra chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên và huyện Kiên Hải (tổng số cơ sở được kiểm tra là 95 cơ sở, lập biên bản nhắc nhở 66 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt 12 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 116.750.000 triệu đồng.
Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường và quan tâm thực hiện như: Tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Bình Định và Kiên Giang trong giai đoạn bình thường mới. Gặp gỡ, làm việc với các Đoàn ngoại giao ở Ấn Độ, Thái Lan và tiếp tục ký kết hiệp ước hợp tác song phương với Vương quốc Campuchia.
Vận động doanh nghiệp tham gia giới thiệu tour, tuyến, sản phẩm du lịch tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước, gồm: Quảng bá du lịch nhân sự kiện làm việc với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự Ấn Độ, Tổng cục Du lịch Thái Lan, đại diện chính quyền Kerala (Ấn Độ), Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM năm 2022 tại Hà Nội; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX năm 2022 tại TP. Cần Thơ; Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2022); Hội chợ TRAVEX 2022 - Campuchia; sự kiện liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam; Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Kiên Hải; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng; Caravan du lịch An Giang và các thị trường kết nối du lịch Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore…
Phấn đấu năm 2023 đón 8,3 triệu lượt khách, doanh thu 13.000 tỷ đồng
Du lịch là một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới và là động lực tăng nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang tiếp tục củng cố vững chắc nền kinh tế của tỉnh.
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh du lịch được phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với khảo sát các khu, điểm du lịch đủ điều kiện công nhận...
Năm 2023, ngành Du lịch tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm đến các khu, điểm du lịch. Xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát, cập nhật các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2023. Tiếp tục triển khai các dự án, hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và giải ngân theo kế hoạch năm 2023 đảm bảo đúng tiến độ. Hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017.
Sở cũng nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Hiệp hội Du lịch Kiên Giang nhằm phát huy vai trò Hiệp hội trong phát triển du lịch.
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước trong việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức khóa nghiệp vụ điều hành du lịch và tập huấn công tác thống kê đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, tăng cường năng lực và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 3/4/2017 của UBND tỉnh về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Thực hiện 9 cuộc thanh tra chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh; 3 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật du lịch và 1 cuộc thanh tra hành chính tại đơn vị.
Xây dựng các kế hoạch và báo cáo có liên quan đến công tác pháp chế và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Phấn đấu trong năm 2023 đón 8,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch; trong đó khách quốc tế là 350.000 lượt khách. Doanh thu du lịch trên 13.000 tỷ đồng.
Văn Dương - Hồng ÂnBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.