Du lịch Lai Châu và hướng phát triển mới
Lai Châu mong muốn có thể tạo ra dòng sản phẩm du lịch hội tụ đủ các yếu tố “đặc thù - hấp dẫn - có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường” tạo dựng hình ảnh của điểm đến mang thương hiệu Lai Châu.
Đó là đề xuất của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải tại Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm du lịch Lai Châu diễn ra cuối tuần qua với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, doanh nghiệp du lịch thuộc CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội và Lai Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai châu Tống Thanh Hải phát biểu tại buổi hội thảo.
Lai Châu là tỉnh biên giới Tây Bắc sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh thắng có giá trị và nền văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc với những lễ hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà đến những làn điệu dân ca, dân vũ… Lai Châu còn là mảnh đất có khí hậu quanh năm mát mẻ. Đây là những thế mạnh để phát triển đa dạng các sản phẩm loại hình du lịch.
Những năm qua, tỉnh đã đầu tư ngân sách hỗ trợ địa phương, người dân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch để tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.
Sau gần 3 năm triển khai Đề án 316 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực “du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường”. Đến nay, Lai Châu đã khai thác có hiệu quả một số sản phẩm du lịch cộng đồng tại: Bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo của huyện Phong Thổ; bản Hon, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, Nà Khương của huyện Tam Đường…
Tại hội thảo, phần lớn ý kiến của đại biểu cho rằng, với nguồn tài nguyên, thiên nhiên tuyệt đẹp gắn với đời sống văn hóa đa dạng, nét ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc, Lai Châu có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Thách thức đặt ra là cần tìm sản phẩm cốt lõi làm điểm nhấn để thu hút khách. Từ đó, củng cố, phát triển thế mạnh về sản phẩm du lịch Lai Châu theo hướng bền vững.
Cần phát triển du lịch Lai Châu theo hướng có thể tạo ra dòng sản phẩm đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Cụ thể, Lai Châu cần nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, có điểm nhấn, tạo sức lan tỏa, ví dụ như tour leo núi, khám phá văn hóa dân tộc, khám phá nghề dệt truyền thống… phát triển sản phẩm chạm bạc của đồng bào dân tộc Mông làm sản phẩm quà tặng. Ngoài ra, chợ phiên là nét đẹp văn hóa, khai thác để thu hút khách. Các ý kiến lưu ý khi đặt các biển hướng dẫn, cảnh báo tại các điểm tham quan, không để tình trạng người dân xin tiền khi khách chụp ảnh, tránh tạo thành tiền lệ xấu, làm mất đi hình ảnh đẹp tại điểm đến.
Bên cạnh đó, Lai Châu có nhiều dân tộc sinh sống thành nhiều bản, có nhà cộng đồng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc nhà truyền thống, với cột gỗ, cầu thang, nhà sàn… Do vậy, cần nghiên cứu, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng như kèn, trống, cách trình diễn cho khách, nên xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm như hái chè, làm nương, trồng lúa, ngô, khoai, chăm sóc thu hoạch táo mèo, hái thảo quả…
Sở VH,TT&DL Lai Châu thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch; đặc biệt là nâng cao ý thức người dân tự giác giữ gìn môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tại các điểm du lịch. Nhờ được tuyên truyền, người dân đã đặt thùng rác, trồng cây, hoa, làm đẹp nhà cửa, bản làng, tự giác di dời chuồng trại gia súc, bảo đảm an ninh trật tự; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương. Sở cùng địa phương mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về du lịch, trang bị những kiến thức cơ bản về làm du lịch cho bà con; hướng đến phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu góp ý: Trong thời gian tới, Lai Châu cần đẩy mạnh, tăng cường liên kết, hợp tác hơn nữa với các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, tập trung khai thác thế mạnh của địa phương trong việc tạo ra sản phẩm đặc trưng, tập trung quảng bá, tuyên truyền, trong đó cần làm làm tốt công tác chuẩn bị cho việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch Lai Châu tổ chức vào tháng 8/2020 tại Hà Nội. “Cần đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh và thu hút khách”.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.