Du lịch nội địa tìm cách “sống chung” với đại dịch COVID-19
Để chuẩn bị cho sự phục hồi trong điều kiện bình thường mới, cùng với các ngành kinh tế khác, du lịch trong nước cũng đang tìm cách để "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19", lên kế hoạch tổ chức tour an toàn.
- Sếp đầu tàu du lịch Vietravel trải lòng: Lập hãng hàng không thì loạt máy bay nằm im lìm, vừa được thí điểm "hộ chiếu vaccine" thì Phú Quốc bùng dịch!
- TP. Đà Nẵng: Dự kiến mở lại các dịch vụ du lịch từ tháng 12/2021
- Việt Nam có loạt địa điểm nguy hiểm bậc nhất, dân du lịch "yếu tim" xem ảnh thôi đã hoảng nói chi đến trải nghiệm!
- Vũng Tàu: Từ ngày 1/11, mở lại hoạt động du lịch, người dân được tắm biển
Chiều 28/9, Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động trực tuyến với định hướng khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái “sống chung với COVID-19”. Yếu tố an toàn cho khách du lịch, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cho cả xã hội đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho ngành du lịch.
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này, có thời điểm gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc, toàn ngành vẫn tin tưởng sẽ vượt qua những khó khăn chưa từng gặp để vươn lên, khôi phục lại ngành kinh tế đang được cả xã hội kỳ vọng.
Thông qua chương trình, hiệp hội mong muốn khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 đợt 4 và chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, sống chung với COVID-19, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn.
Chương trình áp dụng 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19 mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 23/9. Ngành du lịch sẽ tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng chống dịch.
Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, Chương trình xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp. Đồng thời, xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh. Hướng dẫn cho các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, dễ thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chương trình cũng xây dựng những tiêu chí an toàn riêng đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên và khách du lịch dưới 18 tuổi. Cụ thể, du khách từ 18 tuổi muốn đi du lịch cần đảm bảo một số yếu tố như đã tiêm đủ liều vaccine, loại được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng.
Các du khách đã phục hồi sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cần có xác nhận của Sở Y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà. Thời gian tính từ khi khỏi bệnh không quá 12 tháng.
Du khách dưới 18 tuổi cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR trong 72 giờ trước khi du lịch ngoài tỉnh, thành phố đang cư trú.
Các yêu cầu về tiêm vaccine của người lao động trong doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cũng giống như trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở phải đảm bảo 100% người lao động được tiêm đầy đủ vaccine.
Người lao động chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ được làm việc trực tuyến hoặc tại phòng làm việc độc lập. Người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách như hướng dẫn viên, lái xe… phải được xét nghiệm kết quả âm tính trong 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu công việc tiếp xúc với khách.
Về cách tổ chức các chương trình du lịch, phía hiệp hội yêu cầu tổ chức theo hình thức khép kín, có sự giám sát, kiểm sát chặt chẽ của công ty lữ hành trong suốt quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ. Sau khi kết thúc chương trình, cần theo dõi y tế trong một thời gian nhất định hoặc theo quy định để xử lý tình huống phát sinh với người lao động và thành viên đoàn khách sau chuyến đi. Các tuyến điểm du lịch và phương án vận chuyển phải đảm bảo an toàn và có quy định điểm được dừng trong tour, điểm đón trả khách.
Hiện nhiều địa phương đã mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu… Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ ưu tiên các tuyến có khoảng cách gần và sử dụng phương tiện đường bộ, trong khi chờ đường bay nội địa được mở lại.
Huyền My (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.