Du lịch Quảng Ninh kỳ vọng ‘lội ngược dòng COVID-19'
Du lịch Quảng Ninh đang có dấu hiệu "ấm" dần sau chuỗi ngày dài im lìm kiểm soát dịch bệnh. Sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc làm mới sản phẩm, dịch vụ đang là đòn bẩy giúp du lịch Quảng Ninh hồi sinh và kỳ vọng "lội ngược dòng" ở giai đoạn bình thường mới.
An toàn được ưu tiên cao nhất
Sau thời gian dài kiểm soát tốt dịch bệnh và giữ vững "vùng xanh", tỉnh Quảng Ninh đã chính thức mở cửa các điểm đến để đón khách du lịch nội tỉnh từ ngày 20/09 và đón khách ngoại tỉnh từ ngày 1/11/2021.
Trên tinh thần "an toàn là trên hết", Quảng Ninh đang khuyến khích đón khách ngoại tỉnh theo tour trọn gói, khép kín để kiểm soát tốt hơn trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời xây dựng, ban hành và phổ biến "Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19" đối với hoạt động du lịch tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Khách đến Quảng Ninh cần đảm bảo yêu cầu đến từ vùng xanh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính; chưa tiêm mũi nào thì phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR.
Với lần trở lại này, Quảng Ninh đã xây dựng kịch bản phục hồi du lịch để trở thành "Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn". Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, an toàn sẽ là vấn đề được ưu tiên cao nhất khi mở cửa đón khách, doanh nghiệp, đơn vị nào không có phương án đảm bảo an toàn sẽ không được tham gia đón khách ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã sẵn sàng đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách bằng vô số những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, độc đáo.
Những tín hiệu đầu tiên cho thấy du lịch Quảng Ninh đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Theo thống kê của Ban quản lý Vịnh Hạ Long, các ngày cuối tuần kể từ tháng 9 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón hàng ngàn du khách, các điểm đến nổi tiếng cũng bắt đầu chứng kiến du khách trở lại.
Đa dạng sản phẩm, dịch vụ, đưa Quảng Ninh thành "điểm đến 4 mùa"
Ngoài mục tiêu vực dậy ngành công nghiệp không khói sau những ảnh hưởng nặng nề của các đợt COVID-19, với đợt trở lại lần này, Quảng Ninh còn đặt mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú của du khách (hiện tại thời gian lưu trú trung bình của du khách đến Quảng Ninh chưa được 3 ngày), đồng thời đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn cả bốn mùa.
"Cùng với việc mở rộng không gian du lịch nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách, chúng ta cũng sẽ phải tính làm sao để khách có thể đến vào mùa đông. Đó là những mục tiêu quan trọng của du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới", ông Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.
Mục tiêu này đã và đang được hiện thực hóa bởi sự năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đi tiên phong trong việc góp phần xây dựng thương hiệu du lịch bốn mùa cho Quảng Ninh, ngay từ đầu Tập đoàn Sun Group đã đầu tư hệ sinh thái đẳng cấp và đồng bộ tại địa phương này. Và hệ sinh thái này đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt khi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của du khách ở bất cứ thời điểm nào trong năm.
Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex là điểm đến không thể bỏ qua vào mùa hè với công viên nước sở hữu những trò chơi đẳng cấp phù hợp đủ lứa tuổi, còn mùa đông lại thu hút du khách bởi công viên chủ đề cùng những sự kiện, chương trình nghệ thuật, giải trí hấp dẫn. Thời gian ngừng đón khách vì dịch, tổ hợp này không chỉ "phủ áo mới" cho khu vực trò chơi, cảnh quan với cả ngàn cây hoa nhiều loại, mà còn chuẩn bị cho loạt chương trình hấp dẫn, hứa hẹn đem đến những trải nghiệm bất ngờ cho du khách khi tái ngộ.
Mở cửa đón khách trở lại từ ngày 12/11, khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay với 67 villa cùng nhiều tiện ích 5 sao sẵn sàng đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm ẩm thực mới mẻ tại hai nhà hàng Corallo và The Market.
Bên cạnh đó, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đang áp dụng giá vé tham quan vịnh biển chỉ 40.000 đồng/khách, giảm 20% giá vé cho trẻ từ 7-16 tuổi, giảm 50% giá vé cho người 60 tuổi trở lên, giảm 100% với hướng dẫn viên và trẻ em dưới 1,2m. Chương trình thu hút đông đảo du khách đến thăm và ngắm vẻ đẹp huyền ảo của Vịnh Hạ Long mùa đông.
"Thỏi nam châm" của vùng di sản là khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh, luôn kín khách dịp cuối tuần ngay từ những ngày đầu đón khách trở lại. Từ 12/11, Yoko Onsen Quang Hanh đã mở cửa thêm khu Public Onsen vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, khung giờ 10h-17h và áp dụng một số chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Các gói ưu đãi như Limited Offer với mức giá 1.400.000 đồng (đã bao gồm bữa ăn chính và vé tắm Public Onsen), hay gói Suối nguồn thanh xuân có mức giá 1.490.000 đồng/người dành cho đoàn 20 khách trở lên (bao gồm xe ô tô đưa đón, vé tắm Public Onsen, 1 bữa trưa và hướng dẫn viên nhiệt tình, kinh nghiệm) của khu nghỉ hiện đang được du khách hào hứng đón nhận.
"Trước đây chúng ta coi "tính mùa vụ" là một thách thức với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, ta nên coi đó là một lợi thế, bởi mỗi mùa lại có một cái đẹp, và quan trọng là chúng ta tạo ra được trải nghiệm riêng biệt cho mỗi mùa, tăng tần suất du lịch của du khách thay vì tìm cách kéo dài thời gian lưu trú của du khách" - bà Vũ Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc khối Sun Hospitality Group (thuộc Sun Group) nói.
Đến thời điểm này, định hướng tạo dựng thương hiệu điểm đến bốn mùa cho Quảng Ninh cũng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn. Ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, doanh nghiệp này đang xây dựng những bộ sản phẩm có thể ứng dụng luôn cả 4 mùa như: du lịch xe đạp, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp và thể thao... "Với dòng sản phẩm này, khách hàng có thể lưu trú ở Quảng Ninh dài ngày hơn. Ví dụ ngủ nghỉ, trải nghiệm ở Yoko Onsen, kết hợp ngủ trên du thuyền, và đặc biệt có thể đi thẳng đến Bình Liêu, trải nghiệm ruộng bậc thang, thác nước vô cùng đẹp" - ông Nghĩa bày tỏ.
Với những tín hiệu lạc quan ngay từ những ngày đầu "mở cửa", du lịch Quảng Ninh kỳ vọng sẽ "lội ngược dòng" COVID-19 với mục tiêu đạt 1,5 - 2 triệu lượt khách các tháng cuối năm 2021.
PVBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.