Du lịch Sa Pa: Cuộc chuyển biến thần kỳ từ hệ thống cáp treo kỷ lục
Nếu muốn được tận mắt nhìn thấy phát triển du lịch có thể thay da đổi thịt một vùng đất ngoạn mục ra sao chỉ sau 10 năm, hãy đến Sa Pa.
Sa Pa ngày ấy - bây giờ
Đặt chân đến Sa Pa hiện tại, thấy những con phố tấp nập sáng rực ánh đèn, những khách sạn hạng sang lấp lánh trong sương mây hay hệ thống cáp treo Fansipan vươn mình giữa núi rừng Hoàng Liên hiểm trở, nhiều người sẽ không nghĩ rằng, cách đây chỉ 10 năm, vùng đất này vẫn còn là một thung lũng nghèo nàn, chìm trong sương lạnh.
Người dân Sa Pa khi ấy gần 43% là hộ nghèo, hơn 14% hộ cận nghèo, kiếm sống chủ yếu nhờ phá rẫy đốt rừng làm nông hoặc đeo bám những đoàn du khách ít ỏi để bán hàng rong. Dịch vụ du lịch gần như "trắng", không có mấy khách sạn nhà hàng, còn trải nghiệm văn hoá địa phương thì thường chỉ là lang thang trong các khu chợ của người dân tộc.
Đỉnh Fansipan hoang sơ của những năm 2010s lại chỉ thích hợp cho khách nước ngoài hoặc thanh niên Việt Nam ưa mạo hiểm, đủ sức khoẻ, bởi đường đi quá khó khăn, phải mất tới 2 ngày đêm leo rừng, ngủ núi mới đến được.
Thế nên, mặc dù được ưu ái với thiên nhiên trác truyệt, khí hậu đặc trưng dễ chịu 4 mùa cùng nền văn hoá bản địa lâu đời, nhưng Sa Pa năm 2013 mới chỉ thu hút chưa đến 500.000 lượt khách.
Bức tranh ảm đạm ấy đã chỉ còn là quá khứ. Năm 2022, mặc dù du lịch vẫn đang trong quá trình hồi phục sau dịch bệnh COVID-19, Sa Pa đã đón 4,48 triệu lượt khách, gấp 9 lần so với những năm 2010s.
Hạ tầng du lịch cũng có bước nhảy vọt. Nếu như năm 2015, Sa Pa có 3.000 phòng khách sạn, với sức chứa tối đa khoảng 6.000 người, thì đến nay, thị xã đã có 9.000 phòng lưu trú với 5 khách sạn 5 sao. Trong đó có Hotel de la Coupole - MGallery được World Travel Awards chọn là "Khách sạn biểu tượng của Thế giới".
Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Điểm nhấn nổi bật nhất phải kể đến hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan nắm giữ 2 kỷ lục thế giới và KDL Sun World Fansipan Legend, đều do Tập đoàn Sun Group đầu tư.
Chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng rất tích cực tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hoá vào nhiều thời điểm trong năm như Lễ hội Đền Mẫu Sơn - Mẫu Thượng và Mẫu Fansipan, Lễ hội Trăng rằm, Lễ hội Tuyết, show nghệ thuật thực cảnh "Vũ điệu dưới trăng", show diễn "Điểm hẹn", phục dựng không gian văn hóa Chợ phiên, Chợ tình Sa Pa… tạo hiệu ứng hút khách mạnh mẽ.
Du lịch phát triển đương nhiên kéo theo sự đi lên của nền kinh tế. Giai đoạn 2015 - 2020, Sa Pa đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,42%. Thu nhập bình quân của người dân đạt 42,5 triệu đồng mỗi năm, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) bình quân đạt 85,5 triệu đồng một năm, tăng 1,8 lần. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tại Sa Pa đã giảm 35% so với 10 năm trước.
Thị trấn sương mù đã thật sự bừng tỉnh.
Đánh thức, phát triển và bảo tồn
Sự chuyển biến thần kỳ của Sa Pa không tự nhiên mà có. Yếu tố tiên quyết tạo nên những đổi thay ngoạn mục này, đầu tiên nằm ở tầm nhìn và sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Trong 10 năm qua, với khẩu hiệu "doanh nghiệp phát tài thì Lào Cai phát triển, doanh nhân đồng lòng thì chính quyền sẽ đồng hành", chính quyền Lào Cai và Sa Pa đã liên tục mời gọi các nhà đầu tư đến với Sa Pa, đồng thời đưa ra những quyết sách linh hoạt, hấp dẫn, tạo điều kiện tối đa để các "đại bàng" có thể "xây tổ" tại mảnh đất này.
Và một trong những "đại bàng" đầu tiên đặt chân đến Sa Pa từ lời mời gọi đó là tập đoàn Sun Group.
Năm 2013, Sun Group khởi công xây dựng tuyến cáp treo Fansipan. Sau 7 tháng khảo sát và hơn 2 năm thi công, công trình chính thức đi vào hoạt động. Và đây được xem là công trình mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch Sa Pa.
"Năm 2015 Lào Cai chỉ đón được số lượng rất ít du khách. Nhưng từ năm 2016 đến năm 2019, sau khi cáp treo Fansipan khánh thành, địa phương đã cán mốc trên 5 triệu du khách, đạt được mức doanh thu 19 nghìn tỷ đồng. Như vậy chúng tôi tính ra là gấp khoảng 4 lần so với thời điểm năm 2015", ông Trịnh Xuân Trường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhớ lại.
Du khách đổ về, kéo theo làn sóng các nhà đầu tư hào hứng đến kiến thiết Sa Pa. Trong chưa đến 10 năm từ khi Sun Group xây cáp treo Fansipan, "thành phố trong sương" từ một điểm đến "trắng" dịch vụ, đã trở thành Khu du lịch Quốc gia, top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới. Giờ đây chính quyền Lào Cai và Sa Pa đã phải cân nhắc để lựa chọn ra các nhà đầu tư xứng tầm, có khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch đẳng cấp, phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của du khách.
Sau tuyến cáp treo, những trải nghiệm, sản phẩm mới liên tục ra mắt, từ khu du lịch (KDL) Sun World Fansipan Legend với quần thể các công trình tâm linh trên đỉnh núi, hệ thống tàu hỏa leo núi hiện đại nhất Việt Nam và những mùa hoa rực rỡ nở trên triền đá, tới khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên của Sa Pa- Hotel de la Coupole Mgallery Sa Pa sở hữu kiến trúc đẳng cấp và trải nghiệm nghỉ dưỡng thượng lưu.
Cũng từ tuyến cáp treo, những hạt mầm phát triển du lịch chuyên nghiệp và bền vững cho Sa Pa cũng đã được gieo trồng. Không còn sự đeo bám hay chộp giật, du khách đến với Fansipan được chào đón bởi những tiếng "xin chào" và nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi từ những nhân viên người H’Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó… với phong cách chuyên nghiệp và thân thiện.
Hình ảnh vạt rừng bị cháy xém, trơ trụi vì tục đốt nương làm rẫy hay chặt bỏ cây rừng để trồng thảo quả đã dần được ấp đầy bởi những mảng xanh mới hay triền hoa rực rỡ. Đặc biệt, những giá trị văn hoá bản địa tưởng như đã dần mai một nay nhờ du lịch phát triển mà được khôi phục, tôn vinh và nâng tầm mạnh mẽ qua các hoạt động lễ hội đầy bản sắc.
Ghi nhận những đóng góp của Sun Group và tuyến cáp treo Fansipan với du lịch Sa Pa, ông Trịnh Xuân Trường nhận định: "Trong 10 năm qua, tập đoàn Sun Group làm được rất nhiều việc giúp cho địa phương, đánh thức được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sa Pa. Qua đây, chúng ta cũng thấy được tâm huyết và trách nhiệm của tập đoàn đối với việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương cũng như là của cả nước".
Cũng theo ông Trường, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp như Sun Group để kiến thiết du lịch Sa Pa và Lào Cai theo hướng phát triển du lịch xanh, thông minh, khác biệt, bản sắc và mang đẳng cấp quốc tế.
PV
Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.