Du lịch Thanh Hóa khởi sắc trong những ngày đầu xuân

Địa phương
11:55 AM 30/01/2023

Thanh Hóa là một trong những điểm đến lý tưởng dịp nghỉ lễ, Tết với nhiều hoạt động thú vị từ du lịch tâm linh, ngắm cảnh, check-in… Với thời tiết thuận lợi và dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài là điều kiện tốt để các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đón khách du lịch từ muôn phương trở về để trải nghiệm và tận hưởng khoảng thời gian thật ý nghĩa.

Công tác chuẩn bị chu đáo

Nhằm phục vụ nhân dân và khách du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 6119/SVHTTDL- QLDL, ngày 29/12/2022 chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp du lịch tăng cường biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Du lịch Thanh Hóa khởi sắc trong những ngày đầu xuân - Ảnh 1.

Cầu Bạch bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.

Theo đó, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai các phương án đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi khách du lịch có yêu cầu. Các khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá cả dịch vụ; hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đồng thời, Ban quản lý các di tích, danh thắng đã chuẩn bị tốt các điều kiện; cải tạo trang trí khuôn viên, bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ… phục vụ du khách dâng hương, tham quan di tích đảm bảo thuận lợi, an toàn.

Nhờ đó, các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan, vãn cảnh của nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán được diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh. Trong dịp tết, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh không xảy ra vấn đề mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Du lịch Thanh Hóa khởi sắc trong những ngày đầu xuân - Ảnh 2.

Cổng Bắc thành nhà Hồ

Trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ nhân dân và du khách. Trong đó phải kể đến các hoạt động thu hút khách du lịch như: Chương trình Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa vào tối 31/12/2022; chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đón Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão tại thành phố Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn; chương trình biểu diễn võ thuật và Hội diễn Vovinam tỉnh Thanh Hóa vào 25/1/2023 (mùng 4 Tết); không gian văn hóa tại Công viên Hội An từ ngày 19/1 đến ngày 26/1/2023 (từ 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 Tết Nguyên đán); khai mạc Hội báo xuân từ ngày 16/1 đến ngày 3/2/2023 (25 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 13 tháng Giêng năm Quý Mão); trình diễn văn nghệ - thư pháp tại khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ vào ngày 25/1/2023 (mùng 4 Tết Nguyên đán)…

Theo đó, tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Di sản thế giới Thành nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu đã tổ chức không gian tết xưa và mở cửa thường xuyên hệ thống các phòng trưng bày, di tích phục vụ nhân dân đến tham quan trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc biệt điểm du lịch Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trở thành điểm du lịch Thanh Hóa nổi bật và được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Địa điểm du lịch nổi tiếng này còn gọi là thành Tây Giai, thành Tây Đô được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 bằng những khối đá xanh to lớn và kiên cố.

Du lịch Thanh Hóa khởi sắc trong những ngày đầu xuân - Ảnh 3.

Khu du lịch tâm linh Cửa Đạt, Thường Xuân đông kín người đến thắp hương

Mặc dù đã hơn 6 thế kỷ trôi qua, cổng thành phía Nam vẫn còn hiện hữu với 3 cổng tò vò bằng đá xanh, khung tường còn lại bằng đất. Một khu vực Đàn Tế ngoài trời rộng lớn được khai quật. Khi bạn đến với Thành nhà Hồ,  bạn còn được tham quan căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc điêu khắc mang giá trị thẩm mỹ cao.

Địa danh du khách không thể bỏ qua là Khu di tích Lam Kinh. Di tích này thuộc huyện Thọ Xuân, địa điểm du lịch Tết ở Thanh Hóa này cách trung tâm thành phố khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Là nơi an nghỉ của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các hoàng đế và hoàng hậu của triều Lê Sơ. Khu di tích đã được tôn tạo, trùng tu và là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong khuôn viên bạn sẽ thấy nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi quý hiếm.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phục vụ nhân dân như: huyện Hoằng Hóa tổ chức giải vật, giải vật cù, giải đua thuyền; huyện Quảng Xương tổ chức giải đua thuyền, giải cờ người; huyện Nông Cống tổ chức giải bóng chuyền mở rộng, giải đua thuyền; huyện Thạch Thành tổ chức giải bóng chuyền; thị xã Nghi Sơn tổ chức giải cờ tướng; thị xã Bỉm Sơn tổ chức giải bóng chuyền hơi. 

Tại các huyện miền núi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội truyền thống như: Lễ hội cồng chiêng, lễ hội Pồon Poong; lễ hội Kin chiêng boọc mạy, lễ hội mừng cơm mới… kết hợp với các trò diễn dân gian phục vụ nhân dân và du khách.

Từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tổng lượt khách đạt 428.000, tăng 47,6% so với dịp Tết năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 41,6% so với dịp Tết năm 2022. Trong đó, lượng khách du lịch tập trung một số khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh 47.000 lượt, Thành nhà Hồ 15.000 lượt, đền Bà Triệu 10.000 lượt, đền Sòng (Bỉm Sơn) 28.900 lượt, Phủ Na 33.700 lượt, Am Tiên (Triệu Sơn) 36.800  lượt, TP. Thanh Hóa 38.200 lượt, Sầm Sơn 30.700 lượt…

Ước tính tháng 1/2023, tổng lượt khách đạt 497.000 lượt khách, tăng 130,7 so với tháng 1/2022 (trong đó khách quốc tế ước đạt 6.900 lượt khách); tổng thu du lịch 512 tỷ đồng, tăng 169,3% so với tháng 1/2022 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 2.620  nghìn USD).

                       

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD

Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...