Du lịch Thanh Hóa với thông điệp - “Hương sắc bốn mùa”
Được mệnh danh là Việt Nam thu nhỏ, Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch bốn mùa với 3 dòng sản phẩm chủ lực: du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng; cùng nhiều loại hình sản phẩm du lịch khác như: du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, du lịch giải trí, mua sắm…
Sau 2 năm công bố logo và biểu tượng du lịch "Hương sắc bốn mùa", lượng khách và tổng thu du lịch của tỉnh Thanh Hóa đã tăng lên đáng kể, khoảng 20-25% so với những năm trước đây.
Ngày 26/1/2024, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị công bố các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trên địa bàn Thanh Hóa năm 2024.
Cụ thể, năm 2024 ngành du lịch Thanh Hóa sẽ tổ chức 145 sự kiện, trong đó có 85 sự kiện thể thao và 30 sự kiên du lịch sẽ được tổ chức trải dài trong năm 2024, qua đó góp phần hiện thực hóa thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa".
Slogan "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa" như một lời khẳng định về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch; đồng thời cũng là một lời chào mời, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm và khám phá du lịch Thanh Hóa với bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Slogan ngắn gọn, súc tích nhưng quy tụ đầy đủ nét tinh hoa về "đất và người xứ Thanh" bốn mùa trong năm đều tuyệt đẹp với sắc thái riêng, vẻ đẹp riêng, độc đáo, hấp dẫn.
Nhiều năm trước đây, du lịch Thanh Hóa luôn "mặc định" là du lịch một mùa - mùa hè. Mùa hè với du lịch biển nghiễm nhiên được xem là mùa du lịch của xứ Thanh. Sở hữu hơn 100 km bờ biển, du lịch biển được xem là mỏ vàng của Thanh Hóa với trung tâm là đô thị du lịch Sầm Sơn. Tuy nhiên, ngoài 3 tháng hè, các tháng còn lại trong năm, các khu du lịch biển ở Thanh Hóa rất vắng vẻ. Doanh thu trái mùa của du lịch Thanh Hóa không đáng kể.
Vì thế, thông điệp "Hương sắc bốn mùa" vừa có ý nghĩa quảng bá tài nguyên du lịch Thanh Hóa phong phú; vừa là mục tiêu hướng đến của du lịch Thanh Hóa "trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Khi đến với Lễ hội mùa xuân, du khách sẽ được khám phá nét văn hóa, di sản độc đáo qua các chương trình du lịch "Về miền di sản xứ Thanh"; gắn với hàng chục các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Cửa Đạt, Lễ hội Am Tiên, Lễ hội Dâng trâu tế trời, Lễ hội Mường Xịa, Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Phủ Trịnh, Lễ hội đền Phố Cát, Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước, Lẽ tế Nghinh Xuân, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Mường Ca Dạ, Lễ hội Đình Thi, Lễ hội Mai An Tiên, Lễ hội Quang Trung ,…
Mùa hạ: Sôi động du lịch biển qua các chương trình du lịch "Xứ Thanh - biển gọi". Nổi bật với các sự kiện tại các khu, điểm du lich biển, như: Liên hoan đặc sản Xứ Thanh; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; Lễ hội đường phố - Carnivanl du lịch biển Sầm Sơn; các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế; chuỗi sự kiện Flamingo Ibâz Beach Fest,…
Mùa Thu: Du khách được trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng qua các chương trình du lịch "Thiên đường giữa đại ngàn xứ Thanh"; sẽ diễn ra các giải thể thao quốc; công bố các tour du lịch mạo hiểm (treking tour); các lễ hội truyền thống gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng như: Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Mường Đeng,…
Mùa đông: Thưởng thức hương vị địa phương, ẩm thực đa dạng, đặc sắc qua các chương trình du lịch "Đặc sắc hương quê Thanh"…
Những màu sắc lấy từ sự hài hòa giữa sự giàu có về văn hóa và thiên nhiên, những mảng màu giao thoa thể hiện sự sinh động của một logo du lịch đa sắc màu…
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong năm 2023, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu du lịch Bến En Thanh Hóa (Huyện Như Thanh), suối cá Cảm Lương (H. Cẩm Thủy), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh (TP.Thanh Hóa)… tổng số khách du lịch đến Thanh Hóa đạt gần 12,5 triệu lượt khách. Tổng khách du lịch đạt 24.505 tỉ đồng, tăng 22,2 %, đạt 101,3 kế hoạch năm 2023 (khách du lịch quốc tế đạt: 260 triệu USD.
Cũng tại hội nghị này, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã giới thiệu các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu cùng sản phẩm kích cầu du lịch năm 2024; đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý và gợi mở các giải pháp nâng cao công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa" và "Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn" đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, các Hội Du lịch Lữ hành trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khảo sát, kết nối và xây dựng chương trình tour, tuyến du lịch trong địa bàn tỉnh; liên kết với các Hội doanh nghiệp, Hội du lịch cả nước tổ chức thương lượng, mở rộng hợp tác, kết nối nhằm trao đổi nguồn khách 2 chiều với các trọng điểm du lịch cả nước. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Thanh Hóa và các khu, điểm du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thiết kế đa dạng chương trình tour tham quan đến các Hội Du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn toàn quốc.
Với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, sẽ sớm đi vào hoạt động, đặc biệt là cách làm du lịch của người xứ Thanh, du lịch Thanh Hóa sẽ tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.
Triều Nguyệt - Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.