Du lịch Thủ đô: Chủ động, sáng tạo để tăng tốc
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2171/UBND-KGVX về việc tập trung các giải pháp phát triển du lịch nội địa trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương, định hướng đã có, ngành Du lịch Hà Nội và những đơn vị làm du lịch đang tiếp tục phát huy vai trò chủ động, sáng tạo để nắm bắt cơ hội, tăng tốc phát triển thị trường nội địa.
Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại các điểm tham quan để thu hút khách du lịch nội địa.
Màn trình diễn lân sư rồng tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Quang Thái
Hấp dẫn các chương trình kích cầu
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, với lợi thế có hơn 10 triệu người đang sinh sống trên địa bàn, cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, việc Hà Nội thực hiện các chương trình kích cầu, kết nối với các địa phương (đặc biệt là Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh) như định hướng của Công văn số 2171/UBND-KGVX sẽ góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam trở lại mạnh mẽ.
Trên thực tế, Hà Nội đã triển khai kích cầu ngay trong tháng 6-2020 với nhiều hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch. Loạt hoạt động này diễn ra từ ngày 26 đến 28-6 tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong dịp này, Hà Nội sẽ giới thiệu một số nét mới tại các điểm tham quan quen thuộc, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Thăng Long tứ trấn...
Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức lễ hội du lịch kích cầu với quy mô 80 gian hàng của các đơn vị lữ hành, khách sạn, hàng không... Tại đây, du khách sẽ tìm hiểu thông tin về các chương trình giảm giá, gói kích cầu du lịch của Hà Nội và cả nước; thưởng thức những món ăn, đồ uống quen thuộc của Hà Nội: Kem Tràng Tiền, cà phê Giảng, trà sen Tây Hồ, hoa quả dầm Tố Tịch... Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho biết, những “đặc sản” về điểm đến và ẩm thực của Hà Nội sẽ được giới thiệu một cách hệ thống để du khách cảm nhận đầy đủ sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, ngoài tìm hiểu thông tin về du lịch, du khách còn được thưởng thức chương trình văn hóa, thể thao đậm bản sắc Hà Nội. “Chương trình gửi tới du khách thông điệp về Hà Nội an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, ông Tô Văn Động nói.
Khách tham quan Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Ảnh: Đỗ Tâm
Nắm bắt cơ hội để khôi phục và phát triển
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Hà Nội đạt 4,13 triệu lượt người, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, số khách du lịch đến Thủ đô trong tháng 5-2020 tăng khoảng 73% và công suất trung bình khối khách sạn (đạt 19,26%) tăng 6,46% so với tháng 4-2020. Dự báo, lượng khách nội địa trong tháng 6-2020 tiếp tục tăng, khi Hà Nội thực hiện đồng loạt các chương trình kích cầu.
Đề cập đến các giải pháp phục hồi và phát triển, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, bên cạnh việc liên kết với các tỉnh, thành phố, tăng cường quảng bá điểm tham quan trên Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí của Thủ đô, Hà Nội chủ động xây dựng các sản phẩm mới. Cụ thể, ngày 19-6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phát động chương trình kích cầu du lịch đường sắt. "Đơn vị đã nâng cấp chất lượng dịch vụ, giúp du khách có thêm trải nghiệm mới khi du lịch bằng tàu hỏa. Haraco cũng giảm giá 25% cho khách mua vé tập thể từ 5 người trở lên", Phó Tổng Giám đốc Haraco Phùng Thị Lý Hà thông tin.
Nhiều đơn vị quản lý điểm đến cũng chủ động xây dựng các chương trình mới. Điển hình như: Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chuẩn bị ra mắt tour du lịch khám phá về đêm; Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình giới thiệu các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc trong tháng 6; Ban Quản lý phố cổ Hà Nội lên kế hoạch tổ chức lễ hội Trung thu phố cổ; UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức thường xuyên chương trình giới thiệu, quảng bá các đặc sản nông sản của Hà Nội tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, quận tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu du lịch, ẩm thực nổi tiếng như sen hồ Tây, bánh tôm, xôi Phú Thượng… để tạo điểm nhấn trong cảm nhận của du khách khi tới Hà Nội, đặc biệt là đến với địa bàn quận Tây Hồ.
Cùng với việc giới thiệu sản phẩm mới, Sở Du lịch Hà Nội lên danh sách đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú tham gia chương trình kích cầu, cam kết giảm giá trên website của Sở để du khách dễ dàng lựa chọn. Giám đốc Công ty VietSense Travel (quận Đống Đa) Nguyễn Văn Tài thông tin, công ty vừa giới thiệu với du khách chùm tour du lịch khám phá Thủ đô với mức giá giảm 30%-40%. Cụ thể, tour “Tâm linh Tứ Bất Tử” khám phá huyện Ba Vì chỉ còn 690.000 đồng/người; Hanoi City tour đi xe buýt 2 tầng thăm 20 điểm tham quan ở trung tâm Hà Nội giá 550.000 đồng/người…
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh thực hiện tour du lịch giảm giá 40%, từ Hà Nội tới các tỉnh, thành phố miền Trung.
Cùng với cả nước, Hà Nội đã và đang chủ động nắm bắt cơ hội để tăng tốc khôi phục và phát triển du lịch nội địa. Theo ông Trần Trung Hiếu, với hoạt động tích cực tại các điểm đến và các chương trình kích cầu hấp dẫn, Hà Nội phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 đón 10-11 triệu lượt khách du lịch nội địa, dần lấy lại đà tăng trưởng cho du lịch Thủ đô.
Hoàng LânTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.