Du lịch Thủ đô định hình lại sau COVID-19
Ngành công nghiệp không khói hiện nay đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, không chỉ thế giới mà Việt Nam cũng đã và đang có những thay đổi nhằm đáp ứng gần hơn với nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Phục hồi nhanh chóng
Theo Tổng cục Thống kê, một số thị trường du lịch quốc tế đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi tốt. Khách từ Campuchia trong tháng 8/2022 thậm chí tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19; thị trường Lào tăng 136%. Thị trường Singapore và Thái Lan chỉ còn giảm lần lượt 29% và 36% so với trước đại dịch.
Tốc độ phục hồi của các thị trường từ châu Âu cũng cho thấy tín hiệu khả quan. Tuy số lượng khách đến trong tháng 8/2022 chưa nhiều nhưng khoảng cách so với mức năm 2019 đã dần thu hẹp. Cụ thể, trong tháng 8 có 10,8 nghìn lượt khách Đức, 12,6 nghìn lượt khách Anh và 10,4 nghìn lượt khách Pháp, mức giảm của các thị trường này là khoảng từ 35% đến 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Vừa qua, Ngày du lịch thế giới năm 2022 (27/9), Tổ chức Du lịch thế giới kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, người lao động, khách du lịch cùng tư duy lại những việc đã phải đối diện và phương thức thay đổi để đưa du lịch phát triển trở lại, trở thành trung tâm của nền kinh tế.
Rõ ràng, việc tư duy lại cách làm du lịch, trong đó có cả việc xây dựng sản phẩm du lịch là vấn đề mà các quốc gia phải lưu tâm để có thể nhanh chóng phục hồi. Tại Việt Nam, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch đã đặt vấn đề xây dựng, kiến thiết sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị hiếu du lịch thế giới.
Ngay tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định, bên cạnh những dòng sản phẩm chính trước đây, chiến lược lâu dài của du lịch Việt Nam sẽ phát triển thêm 3 dòng sản phẩm mới, đó là du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao.
Theo một số chuyên gia, du lịch Việt Nam cần phát huy các thế mạnh, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới, nhưng vẫn cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa trong phát triển du lịch và các vấn đề đô thị du lịch.
Phát triển các sản phẩm liên kết vùng
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của Thủ đô, thu hút nhiều hơn du khách đến Hà Nội, đặc biệt là khách quốc tế, đơn vị đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng.
Theo đó, Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố hình thành các tuyến du lịch, như: Chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình); Hà Nội - Lai Châu - Hà Giang; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La… Các sản phẩm trọng tâm của liên kết vùng sẽ là du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản văn hóa.
Sở Du lịch Hà Nội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô khảo sát, xây dựng và kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố và các vùng du lịch trọng điểm để hình thành tour, tuyến du lịch liên kết nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội và ngược lại.
Ông Nguyễn Công Hoan - Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours cho biết: Một số dòng sản phẩm du lịch trước kia ít được quan tâm, nay trở thành mũi nhọn của các đơn vị, trong đó có du lịch MICE, du lịch golf. Song, đây là những dòng sản phẩm hướng đến đối tượng khách đoàn đông, dòng khách cao cấp là các thương nhân, tập đoàn lớn…, nên việc đầu tư hạ tầng cho các sản phẩm này cần có chiến lược bài bản.
"Để phát triển du lịch MICE, du lịch golf, các địa phương cần có hạ tầng cho du lịch, như việc quy hoạch phát triển các sân golf, những trung tâm tổ chức sự kiện lớn đủ tiêu chuẩn dịch vụ đón khách hạng sang. Ngoài ra, cần phải có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách trải nghiệm
Riêng tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cũng đang làm việc với các địa phương để hình thành những dòng sản phẩm chuyên biệt, như: Du lịch mạo hiểm ở Ba Vì, Chương Mỹ hướng tới du khách trẻ; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn; du lịch mua sắm ở Đông Anh; du lịch văn hóa đêm, du lịch ẩm thực ở khu phố cổ…
Minh ĐăngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.