Du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu đón 110 triệu lượt du khách

Kinh doanh
07:16 PM 25/03/2023

Sau hai năm dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi với tình trạng kiệt quệ, phải phá sản. Quý 1/2023, số liệu về lượng khách, doanh thu du lịch cho thấy hoạt động du lịch cơ bản đã vượt qua khó khăn sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh.

Ba tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Các chính sách để hỗ trợ ngành du lịch phát triển được đưa ra, chính sách cấp thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam có sự tay đổi góp phần làm tăng trưởng lượng khách nước ngoài, tạo đà thuận lợi thúc đầy ngành du lịch. Nhiều hãng hàng không quốc tế, nhiều đường bay thẳng đến Việt Nam được xây dựng. Một số sân bay cũng được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nội địa, cùng quốc tế. Vốn đầu tư ngành du lịch tăng mạnh, các khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư. Các dịch vụ được nâng tầm, hoạt động an ninh của du khách được chú trọng, nâng cao.

Trọng tâm để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững là nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng  - Ảnh 1.

Ở Hà Nội, mặc dù khách từ một số thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc,.. giảm, nhưng khách du lịch từ châu Âu và một số thị trường khác tăng lên đáng kể

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng du lịch Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển, hướng đến mục tiêu năm 2023 đón 110 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, du lịch Việt Nam đã ghi dấu với sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách nội địa và khách quốc tế. Cụ thể, Tổng cục Du lịch công bố tháng 1/2023, Việt Nam đón lượng khách nội địa ước đạt 13 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 4,5 triệu lượt khách lưu trú - Đây là lượng khách nội địa cao nhất trong 5 năm trở lại (tính từ 2018). Cùng với đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2023 là gần 872.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022 và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm 2022; tháng 2/2023 đón 933.000 lượt khách, tăng 7,1% so với tháng trước. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, và gần bằng 1/4 lượng khách mục tiêu của cả năm 2023 (8 triệu khách) nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 (18 triệu lượt khách).

Trọng tâm để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững là nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng  - Ảnh 2.

Ngay sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều địa phương tổ chức lễ hội thu hút khách du lịch nội địa

Theo các chuyên gia, kết quả trên có được là do một số địa phương trọng điểm du lịch như Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… đã chủ động phối hợp cùng hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways phối hợp cùng một số tỉnh/thành phố tổ chức sự kiện chào đón những vị khách quốc tế tới "xông đất" đầu năm; tổ chức các hoạt động chào mừng tại sảnh sân bay, ga tàu và lì xì năm mới. Qua đó, tạo sự hứng thú cho du khách, đồng thời tiếp tục khẳng định hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Đồng thời, tháng 1/2023 cũng là thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng, chỉnh trang các khu, điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút du khách, làm nổi bật đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong dịp đầu năm. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách đã chủ động thực hiện nghiêm túc việc bình ổn giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và cơ bản đã vượt qua khó khăn sau thời gian 2 năm chịu tác động của dịch bệnh. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình. Đây được coi là cơ hội để du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới. 

Trọng tâm để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững là nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng  - Ảnh 3.

Thành phố Hoa Phượng đỏ thời gian gần đây đang được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích du lịch 1 ngày với nhiều trải nghiệm văn hóa ẩm thực

Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng du lịch Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ, bởi so với năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19), khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt và khách nội địa là 85 triệu lượt; Tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng; Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khi tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 (năm 2019). Năm 2023, du lịch nội địa vẫn là thị trường kỳ vọng tiếp tục "bùng nổ". Song, số lượng khách nội địa lưu trú không cao, dẫn đến giảm tổng thu từ khách du lịch. Đơn cử như theo thống kê trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão (từ 29 đến mùng 5 Tết), toàn quốc có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng khách lưu trú chỉ có 2 triệu lượt, giảm 37,5%, công suất phòng trung bình khoảng 45%. Tổng thu từ khách du lịch chỉ ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng. "Cái khó" của du lịch nội địa hiện nay đó là tỷ lệ khách đi tour trọn gói, khách lưu trú dài ngày, chi tiêu của khách và tỷ lệ kín phòng đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó là tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện hữu khá rõ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi - đây là trở lực lớn cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong năm 2023. 

Trọng tâm để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững là nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng  - Ảnh 4.

Gành Đá Đĩa là một tuyệt tác kỳ diệu của thiên nhiên - Điểm đến của du lịch Phú Yên

Mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam đặt ra trong năm 2023 đó là phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Theo dự báo, năm 2023 sẽ đan xen thuận lợi và khó khăn đối với du lịch Việt Nam. Mục tiêu này chỉ có thể được hiện thực hóa trên cơ sở tranh thủ những cơ hội, khắc phục những thách thức để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững.

Theo các chuyên gia, trọng tâm để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững là tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng của du lịch nội địa, các địa phương; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách; mở rộng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch và đặc biệt là phải chủ động tìm kiếm các thị trường mới, thúc đẩy các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn. 

Các doanh nghiệp du lịch cũng nên tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ thông tin, giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các dịch vụ cũng như đặt tour thông qua internet và smatphone; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời gia tăng sức thu hút đối với du khách quốc tế thông qua việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi đi lại đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Phan Thương
Ý kiến của bạn
Ngành thuế và hải quan nỗ lực cải cách và đồng hành cùng doanh nghiệp Ngành thuế và hải quan nỗ lực cải cách và đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngày 10/12, Bộ Tài chính phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn về chính sách và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.