Thời gian gần đây, ngành du lịch Việt Nam liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.574.969 lượt người. Tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng.
Riêng trong tháng 6/2023, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 975.010 lượt khách, tăng 6,4% so với tháng 5/2023.
Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Australia.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường đưa khách quốc tế vào lớn nhất, trong tháng 6 tăng 15% so với tháng 5 và bằng gần 90% năm 2019, trước dịch COVID-19. Nếu tính 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc cũng luôn đứng vị trí thứ nhất, với hơn 1,6 triệu lượt khách trên tổng 5,57 triệu lượt khách quốc tế. So cùng kỳ 2019 lượng khách gần bằng 80%.
Sau Hàn Quốc, Na Uy (tăng 51%), Singapore (tăng 48%), Lào (tăng 25%), Đài Loan (tăng 21%), Hàn Quốc (tăng 15%), Philippines (tăng 10%). Đặc biệt, du khách Mỹ đến Việt Nam trong tháng 6 ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng, tăng 52% so với tháng 5, đạt hơn 66.000 lượt khách trong 6 tháng đầu năm.
Các thị trường có lượng khách giảm so với tháng 5 chủ yếu là khách Âu: Pháp (giảm 41%), Hong Kong (37%), Bỉ (33%), Italy (31%), Canada (31%), Thụy Sỹ (28%), Hà Lan (27%), Đan Mạch (22%). Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không chiếm 86%, tiếp đó là đường bộ hơn 13%.
Trong tháng 6, du lịch Việt cũng đón nhận nhiều tin vui khi 103 nhà hàng, quán ăn của Việt Nam được Michelin Guide vinh danh trên bản đồ ẩm thực thế giới, trong đó có 4 quán ăn dành 1 sao Michelin.
Chia sẻ nhân sự kiện Michelin Guide công bố giải thưởng ở Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch văn hóa là một trong bốn dòng sản phẩm chính.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.
Tại thời điểm khảo sát từ tháng 4 đến 22/6/2023, mức tăng trưởng về nhu cầu tìm kiếm du lịch Việt Nam ở nhóm 10% đến 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Các quốc gia khác trong khu vực xếp ở vị trí thấp hơn: Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30).
Các thị trường quan tâm nhiều nhất đến du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Mới đây, Công ty du lịch trực tuyến Agoda đã đưa ra đánh giá về ngành du lịch Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, vươn lên đứng thứ ba sau Nhật Bản và Thái Lan trong danh sách các điểm đến hàng đầu châu Á. Đây là bước tăng trưởng đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ năm vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Agoda cho rằng ngành du lịch ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh hơn Thái Lan, nhưng đất nước này có thể duy trì lợi thế bằng cách dỡ bỏ rào cản thị thực, mở thêm nhiều đường bay và điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Đặc biệt trong thời gian qua, nhiều điểm đến tại Việt Nam đã được các cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài vinh danh, góp phần tăng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Tờ The Independent của Anh mới đây đã ca ngợi Việt Nam là điểm đến được khao khát nhất Đông Nam Á nhờ cảnh quan đa dạng, tuyệt đẹp cùng ẩm thực hấp dẫn.
Trang web du lịch Traveldudes cũng vinh danh Việt Nam là điểm đến ấn tượng cho những người thích du lịch mạo hiểm, điển hình là môn thể thao lặn biển.
Ảnh: Internet
Những dữ liệu này cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận định về sự phục hồi của ngành du lịch, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng ngành du lịch vẫn là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, dù tổng lượng khách quốc tế vẫn chưa thể bằng mức trước dịch COVID-19.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề cập đến việc Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn này. Trung Quốc là thị trường trong và ngoài nước lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019.
Còn theo TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, du lịch, điểm tích cực đối với ngành du lịch năm nay là việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Năm 2022, dù Việt Nam đã mở cửa từ ngày 15/3/2022 nhưng đến cuối năm vẫn không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại và cho phép người dân sang du lịch Việt Nam theo đoàn, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay hoàn toàn có thể đạt được.
Dẫn lại số liệu năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19, ông Lương Hoài Nam cho biết, Việt Nam đón tới 5,8 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế. Số khách này mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc. Một khi du lịch phục hồi và phát triển trở lại, rất nhiều ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi, TS Nam nhìn nhận.
Các chuyên gia du lịch trên thế giới dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ngành du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, ngành du lịch vừa đón tin rất vui khi Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Tổng cục Du lịch cho biết, với những chính sách mới mang tính đột phá tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, cùng với xu hướng thị trường tích cực, ngành du lịch tràn đầy niềm tin vào khả năng thu hút lượng lớn khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến vào những tháng cuối năm nay.
"Khi áp dụng chính sách miễn thị thực có thể thu hút được từ thêm từ 5 - 25% số lượng khách du lịch quốc tế đến quốc gia đó. Quốc hội thông qua những chính sách thuận lợi hơn về thị thực thì nhiều khả năng là ngành du lịch Việt Nam sẽ đón được khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế, tức gấp rưỡi so với kế hoạch chúng ta đã đặt ra trong năm nay", ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam nhận định.
Thưc hiện: Thương Huyền