Du lịch Việt Nam: Nắm chặt tay nhau cùng hành động

Tiêu dùng và Tiếp thị
08:27 AM 29/11/2020

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thông điệp này tại Hội nghị du lịch toàn quốc 2020, sáng 28/11, tại Quảng Nam.

Du lịch Việt Nam: Nắm chặt tay nhau cùng hành động - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị du lịch toàn quốc - Ảnh: Đình Nam

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhớ lại tháng 8/2016, tại Quảng Nam đã diễn ra hội nghị du lịch toàn quốc lần đầu tiên. Lúc đó, tỉnh Quảng Nam đang chuyển mình nói chung, đặc biệt trong du lịch. Và đến hội nghị hôm nay, ngành du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về lượng và chất.

Những bước tiến lớn đáng ghi nhận

Từng khâu trong du lịch như xúc tiến, quảng bá, thủ tục xuất nhập cảnh, hàng không, giao thông, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực du lịch, môi trường văn hoá xã hội, thái độ của người dân… rõ ràng có bước tiến rất lớn. Điều đặc biệt ấn tượng là sự tăng trưởng mạnh mẽ năng lực của ngành du lịch, xét về yếu tố hạ tầng và sản phẩm, khi hàng loạt DN, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào du lịch. Từ các khách sạn, khu vui chơi, dịch vụ du lịch lớn đến nay ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tổ hợp, khu phức hợp về du lịch có quy mô, đẳng cấp quốc tế.

Để làm được điều này, cùng với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, vai trò của các DN trong thời gian vừa qua có tính quyết định. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự tham gia của người dân từ việc tạo kiều kiện cho xây dựng các công trình phục vụ du lịch đến phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là thái độ thân thiện, cởi mở, mến khách, góp những nụ cười cho du lịch Việt Nam.

Phó Thủ tướng gửi lời cám ơn trân trọng đến mọi người dân, cộng đồng DN, sự nỗ lực của chính quyền các địa phương các cấp đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, đưa ngành du lịch Việt Nam hoàn thành và vượt cơ bản tất cả các mục tiêu đặt ra trong cả nhiệm kỳ vừa qua.

Mặc dù chất lượng, hiệu quả du lịch được nâng lên một bước lớn, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng những kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Những số liệu thống kê về du lịch mới tập trung vào số lượt khách, doanh thu… thể hiện thực tế  ngành du lịch chưa đi sâu vào đánh giá, lượng hoá tiêu chí chất lượng cho dù đã có những tiến bộ nhất định trong việc tăng thời gian lưu trú, chi tiêu cho du khách.

Ngành du lịch tiếp tục phải nhận thức những bất cập vẫn tồn tại về môi trường văn hoá, xã hội, những nỗi sợ của du khách như văn hoá giao thông, môi trường điểm đến, vệ sinh an toàn thực phẩm… để chú ý khắc phục.

Du lịch Việt Nam: Nắm chặt tay nhau cùng hành động - Ảnh 2.

 Số hoá tài nguyên để phát triển du lịch

Thời gian qua ngành du lịch, các địa phương, DN đã có những tiến bộ trong thực hiện chuyển đổi số nhưng Phó Thủ tướng đánh giá việc triển khai vẫn còn chậm, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn bởi du lịch là ngành cần thiết và có điều kiện chuyển đổi số rất nhanh.

Nhiều dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ở Việt Nam đa phần đang do các DN nước ngoài đầu tư, phát triển. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, DN du lịch cần tham gia tích cực vào các chương trình tạo ra những nền tảng số dùng chung cho ngành du lịch và toàn xã hội.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ trước đây Bộ VHTT&DL, các địa phương không nắm được đầy đủ tất cả các cơ sở khách sạn, lưu trú trên cả nước, chưa kể là các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí… cho du khách. Đến nay, để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã lập được danh sách hơn 80.000 khách sạn, cơ sở lưu trú trên toàn quốc. Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, các địa phương phải chỉ đạo những cơ sở này khẩn trương cập nhật thông tin thành một cơ sở dữ liệu chung. Các di sản văn hoá, thắng cảnh du lịch, cổ vật, hiện vật trong bảo tàng… cũng phải được số hoá trở thành nguồn tài nguyên chung phục vụ phát triển du lịch.

Dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các DN du lịch lớn mà nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…

Du lịch Việt Nam: Nắm chặt tay nhau cùng hành động - Ảnh 3.

 Ba vấn đề lớn cần tập trung đẩy mạnh 

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu ba vấn đề mà ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh.

Thứ nhất là phải đảm bảo chất lượng du lịch ở tất cả các phân khúc. Thực tế cho thấy những cơ sở kinh doanh lớn, cao cấp rất chú ý đến chất lượng nhưng chất lượng những cơ sở ở phân khúc thấp hơn lại không được nâng lên, thậm chí có ý kiến nhận định là đi xuống.

Thứ hai là yêu cầu tái cơ cấu thị trường khách du lịch nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhằm khắc phục tình trạng bị động, thiếu định hướng trong phát triển thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các DN du lịch cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, “làm sao để người Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm du lịch cao cấp mà trước đây thường dành cho khách nước ngoài”.

Thứ ba, phát triển du lịch trước hết phải đảm bảo an toàn. Phó Thủ tướng nhắc lại bài học Đà Nẵng và cho rằng “trong lúc này, với thị trường trong nước, các DN du lịch cố gắng cùng nhau vượt qua, đồng thời tự làm mới mình, khắc phục những bất cập, hạn chế vốn đã được nhận diện nhưng chưa có thời gian, điều kiện thực hiện”.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các vùng trong cả nước, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần chú ý hơn nữa đến khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các DN, giữa cơ quan nhà nước với DN, cơ quan nhà nước với cộng đồng…

“Nếu kết nối, phối hợp tốt, chúng ta có thể làm được những việc tưởng chừng không làm được và nhiều nước tưởng rằng rất khó, mà thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua là một ví dụ”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của du lịch Việt Nam.


Đình Nam
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.