Du lịch Việt Nam thăng hạng ngoạn mục trong bối cảnh Covid-19
Giữa những ảm đạm khi cánh cửa ra thế giới đóng lại gần như 10 tháng của năm 2020 do đại dịch Covid-19 và cũng chưa biết ngày nào sẽ mở cửa, thì những giải thưởng từ các tổ chức uy tín quốc tế dành cho du lịch Việt Nam giống như một điểm sáng. Rõ ràng, chưa bao giờ vị thế của du lịch Việt lại vững vàng như bây giờ.
Từ những “hiện tượng toàn cầu”
Thế giới giờ đây đã không chỉ nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến được ưu ái bởi vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt, với những hang động tự nhiên khổng lồ hay vịnh biển kỳ vĩ được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, mà còn biết đến một Việt Nam đang chuyển mình để tạo cuộc cách mạng cho ngành du lịch bằng vô số công trình lớn với quy mô tầm cỡ quốc tế được thế giới vinh danh.
Những khu nghỉ dưỡng đẹp như kiệt tác nghệ thuật được công nhận là sang trọng nhất thế giới. Những khu vui chơi giải trí với quy mô khủng được ghi nhận là công viên giải trí hàng đầu châu Á. Những điểm đến du lịch được cộng đồng thế giới ca tụng là một trong những điểm đến đẹp nhất thế giới… Tất cả những điều đó, nếu như 10 năm trước gần như chỉ là một giấc mơ, thì giờ đây đã trở thành hiện thực, tạo nên đôi cánh thần kỳ để du lịch Việt thăng hạng trên trường quốc tế và biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho cả giới thượng lưu, tỷ phú, ngôi sao, chính trị gia hàng đầu thế giới.
Còn nhớ vào những tháng cuối năm 2018, khi Cầu Vàng ra mắt trên đỉnh Bà Nà Hills, đẹp tựa một dải lụa cong mềm mại nằm vắt trên đôi bàn tay khổng lồ mọc ra từ vách núi, dân xê dịch và giới truyền thông trên toàn thế giới dường như bị một cơn “chấn động cấp tính”.
Một loạt các hãng thông tấn lớn nhất thế giới như CNN, BBC, Reuters… hay các tạp chí hàng đầu thế giới như National Geographic, New York Times, Time… đều đồng loạt vinh danh Cầu Vàng như một điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018. Vô hình trung, Cầu Vàng trở thành “đại sứ” cho du lịch Việt thời kỳ mới, nơi hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc nhất vô nhị cho du khách quốc tế, bằng những công trình sáng tạo mang tính giải trí và nghệ thuật đỉnh cao.
Cầu Vàng khiến chúng ta chợt nhớ cách đây khoảng 7 năm, khi Sơn Đoòng trở thành “siêu hiện tượng” gây rúng động toàn cầu. Gần như ai cũng ao ước một lần được đặt chân vào hang động tự nhiên lớn nhất thế giới với niên đại hàng triệu năm kỳ vĩ như một điều bí ẩn lớn nhất của tạo hoá.
Người viết bài không có ý định so sánh hiện tượng Sơn Đoòng và hiện tượng Cầu Vàng, bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng điều đó để nói lên rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những hiện tượng toàn cầu không chỉ nhờ vào sự ưu ái đặc biệt của thiên nhiên, mà còn nhờ vào trí tuệ và tài hoa của con người.
Đến những giải thưởng danh giá
Chiến lược phát triển bài bản, sự đầu tư với quy mô tầm cỡ quốc tế - đó chính là chìa khoá để kiến tạo diện mạo du lịch Việt hoàn toàn mới trong khoảng 5-10 năm trở lại đây. Đặc biệt, với sự chung tay của nhiều tập đoàn lớn, Việt Nam đã liên tục lọt vào top các điểm đến toàn cầu với rất nhiều công trình đạt các giải thưởng danh giá.
Đầu tháng 11/2020 vừa qua, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ để trở thành Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, được ghi nhận bởi giải thưởng du lịch uy tín bậc nhất thế giới World Travel Awards khu vực châu Á. Ở lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines được công nhận là “Hãng hàng thông hàng đầu châu Á - Hạng phổ thông”; “Hãng hàng không hàng đầu châu Á - Hạng phổ thông đặc biệt” và “Hãng hàng không văn hóa hàng đầu châu Á”.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, sân bay Vân Đồn của Sun Group nhận hai danh hiệu: “Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á” và “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á”. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long của Tập đoàn này cũng đã xuất sắc chiến thắng tại hạng mục “Cảng tàu khách hàng đầu Châu Á 2020”.
Trong hạng mục các nhà điều hành tour, Vietravel nhận danh hiệu “Nhà điều hành tour hàng đầu châu Á”. Tại lĩnh vực vui chơi giải trí, hai sản phẩm của Sun Group là công viên nước Aquatopia thuộc tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park nhận giải thưởng “Công viên nước hàng đầu châu Á 2020”, và khu du lịch Sun World Ba Na Hills trở thành “Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2020”.
Những công trình du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, chất lượng được đầu tư từ Nam ra Bắc những năm gần đây cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm vị thế của ngành du lịch Việt trên trường quốc tế. Cũng nhờ đó mà Việt Nam giờ đây được biết đến là một thiên đường nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu, với những khu resort sang trọng bậc nhất thế giới. Đỉnh cao nhất phải kể đến InterContinental Danang Sun Peninsula của Sun Group, với bốn lần được World Travel Awards vinh danh là Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, và năm 2020 tiếp tục “ẵm” tới 7 giải thưởng WTA châu Á, trong đó có “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á”. Hai “tác phẩm” khác của "ông hoàng resort" Bill Bensley và tập đoàn Sun Group cũng giữ vững thành tích năm ngoái: JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đạt giải thưởng Khu nghỉ dưỡng và spa hàng đầu Châu Á 2020 và Hotel de la Coupole MGallery Sapa đạt giải Khách sạn có thiết kế hàng đầu Châu Á 2020…
Điều thú vị là hầu hết các các công trình, sản phẩm, điểm đến được WTA vinh danh đều thuộc về những doanh nghiệp tên tuổi của du lịch Việt Nam như: Sun Group, Vietnam Airlines, Vietravel… Rõ ràng, với sự góp sức đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn, ngành du lịch Việt như “mọc thêm cánh”, đạt đến một vị thế mới trên toàn cầu, thu hút sự chú ý tìm đến của du khách quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, sự phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây là “câu chuyện thần kỳ”. Chỉ trong 3 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, du lịch Việt Nam tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, từ 8 triệu lên gần 16 triệu. Riêng 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Năm 2020, dù cánh cửa thế giới đóng lại suốt 9 tháng và ngành du lịch gần như đóng băng, thì con số đáng khích lệ trong sự tăng trưởng du khách nội địa, nhất là đợt cao điểm đầu hè, cũng đáng để tự hào rằng du lịch Việt Nam trong khó khăn vẫn có điểm sáng.
Rõ ràng, những đột phá, sáng tạo trong cách làm du lịch của Việt Nam nói chung, các Tập đoàn lớn nói riêng, những sản phẩm mới, đẳng cấp, chất lượng, và những giải thưởng cao quý mà cộng đồng quốc tế, truyền thông thế giới vinh danh… đã trở thành bệ phóng, để du lịch Việt Nam vươn tầm, khẳng định vị thế.
P. ThủyNgành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.