Lượng tìm kiếm quốc tế đang tăng cao và liên tiếp được bình chọn là điểm đến hấp dẫn, điểm đến “không thể bỏ lỡ” đã giúp cho Việt Nam tạo chỗ đứng vững chắc, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 1.

Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng cường thu hút khách quốc tế, tập trung đầu tư hình thành các điểm đến đã dần khẳng định thương hiệu và đẳng cấp so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố ngày 5/6, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75%, nằm trong tốp 4 trên thế giới.

Kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, cho thấy tốc độ phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.

Trong đó, các thị trường đang tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada và Anh. Các điểm đến của Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế)...

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 2.

Các quốc gia có lượng tìm kiếm tăng trưởng cao nhất trên toàn cầu.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 3.

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50% - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Nguồn: Tổng cục Du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) dẫn dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho biết, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam từ tháng 3/2022 đã không ngừng tăng lên. Lượng tìm kiếm đầu tháng 4 đạt mức tăng 663% và tới giữa tháng tăng 720% so với cùng kỳ năm ngoái. Tới cuối tháng 4/2022, lượng tìm kiếm hàng không tới Việt Nam đã chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng cao trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.

Về lượng tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Việt Nam, mức tăng từ đầu tháng 4/2022 đến giữa tháng 5/2022 đã tăng hơn 4 lần. Cụ thể, thời điểm ngày 1/4, lượng tìm kiếm tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021, đến giữa tháng 5 đạt mức tăng 450% và tiếp tục duy trì ở mức cao.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 4.

Lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam từ ngày 15/3/2022 đến ngày 28/5/2022. Nguồn: Tổng cục Du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh, kể từ khi chính thức mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như: khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Từ ngày 27/4, nước ta dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh. 

Từ ngày 15/5, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh. Công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số. 

Đặc biệt, nhân dịp SEA Games 31, ngành du lịch đã chủ động quảng bá hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao Đông Nam Á và du khách trên thế giới.

Hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển" đã được khắc họa xuyên suốt 17 ngày diễn ra SEA Games 31 - Ảnh: VGP/Tuấn Trần

Số liệu thống kê cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 5. Tính chung 5 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365,3 nghìn lượt khách, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch COVID-19, nhưng đây là tín hiệu rất tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam sau hơn 2 tháng chính thức mở cửa hoàn toàn.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 6.

 

Trong những năm gần đây, có nhiều cơ quan, tổ chức trong ngành du lịch cũng như các đơn vị báo chí, truyền hình trên thế giới đã chú ý đến Việt Nam, Việt Nam đang ngày càng khẳng định là điểm sáng trên bản đồ du lịch. Điều này thể hiện rõ nét không chỉ ở số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, mà còn bởi "bộ sưu tập" giải thưởng danh giá quốc tế năm sau luôn "dày" hơn năm trước. Có những giải thưởng mà nếu quay lại 10 năm trước đây, sẽ ít ai nghĩ một quốc gia vốn được coi là "thiên đường du lịch giá rẻ" lại đạt tới.

Việc bình chọn các điểm đến du lịch theo các tiêu chí khác nhau được các cơ quan truyền thông quốc tế thực hiện định kỳ với mục tiêu quảng bá cho các điểm đến, nhưng đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến định hướng cho dòng khách du lịch quốc tế để kết nối thị trường, cũng đồng thời là cơ sở để các điểm đến so sánh với nhau, tự điều chỉnh hoàn thiện để nâng hạng cạnh tranh.

Dưới góc độ uy tín bình chọn, các cơ quan càng có uy tín trong lĩnh vực du lịch thì việc thể hiện kết quả bình chọn càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, doanh nghiệp và từ đó tác động tích cực đến sự lựa chọn của khách du lịch.

World Travel Awards (WTA - du lịch thế giới WTA) là một giải thưởng được tổ chức thường niên kể từ năm 1993, đến nay đã trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới trong việc tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 7.

Năm nay, du lịch Việt Nam vinh dự được đề cử tại 10 hạng mục, gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2022; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Điểm đến dành cho giới trẻ hàng đầu châu Á; Điểm đến bãi biển hàng đầu châu Á 2022; Cơ quan du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á; Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2022.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 8.

Hà Nội được đề cử là Điểm đến kỳ nghỉ thành phố hàng đầu châu Á

Hà Nội được đề cử là Điểm đến kỳ nghỉ thành phố hàng đầu châu Á; Hội An và Huế được đề cử là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á; Đà Nẵng được đề cử là Điểm đến thành phố lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á; Vườn quốc gia Cúc Phương được đề cử là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á; Vịnh Hạ Long được đề cử là hạng mục Điểm du lịch hàng đầu châu Á 2022... 

Bên cạnh đó, hàng loạt các hãng hàng không, công ty lữ hành, tập đoàn chuyên về du lịch, nghỉ dưỡng, các khách sạn, resort, hãng du thuyền... của Việt Nam cũng được đề cử giải thưởng hàng đầu châu Á.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 9.

Vịnh Hạ Long được đề cử là hạng mục Điểm du lịch hàng đầu châu Á 2022

Trước đó, Việt Nam đã 3 lần là điểm đến hàng đầu châu Á, nhiều lần dẫn đầu khu vực tại các hạng mục di sản, văn hóa, du lịch bền vững từ năm 2018 đến năm 2021. 

Ở góc độ quốc gia, năm 2018 và 2019, hai năm liền Việt Nam được WTA trao giải thưởng "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch Golf hàng đầu thế giới năm 2019", "Điểm đến ẩm thực số một châu Á - Thái Bình Dương".

Riêng năm 2019, Du lịch Việt Nam nhận được tổng số 145 giải thưởng danh giá nhất của WTA cho khu vực châu Á & châu Đại Dương, trong đó có nhiều giải thưởng về điểm đến du lịch, nhiều khu vui chơi giải trí, resort, khách sạn và spa của Việt Nam được WTA vinh danh ở hạng mục cấp quốc gia và khu vực.

Tạp chí Forbes (Mỹ) đưa Việt Nam vào top 14 điểm đến ấn tượng nhất của năm 2019. Trang CNN đã đưa ra danh sách những điểm đến du lịch tốt nhất châu Á năm 2019 và Việt Nam có tới 2 đại diện được lọt vào danh sách này là Hà Nội và Phú Quốc. 

Cùng những địa danh nổi tiếng khác trên thế giới như: Cầu cảng Sydney, Thánh địa Machu Picchu, Grand Canon, Dubai… thì ở Việt Nam, Thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) cũng là một trong 10 điểm đến du lịch tuyệt nhất thế giới do tạp chí nổi tiếng Rough Guides lấy kết quả bình chọn.

Thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) cũng là một trong 10 điểm đến du lịch tuyệt nhất thế giới do tạp chí nổi tiếng Rough Guides lấy kết quả bình chọn

Hội An (Quảng Nam) đã vượt qua những đối thủ như Tokyo (Nhật Bản), Ubud (Indonesia)... để dẫn đầu cuộc bình chọn thành phố tuyệt vời nhất năm 2019 do Travel and Leisure tổ chức.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 11.

Nét kiến trúc cổ kính dường như còn giữ nguyên vẹn trong từng mái nhà, trên từng con phố Hội An

Trong năm 2021, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan để vươn lên đạt danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 (Asia's Leading Destination 2021). Không chỉ là điểm đến hàng đầu châu Á, Việt Nam còn giành danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á, vượt qua các nước Indonesia, Lào, Nepal và Thái Lan.

Việc giành giải thưởng World Travel Awards - giải thưởng được coi là Oscar trong ngành Du lịch quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam trong bối cảnh mở cửa hoàn toàn cả thị trường quốc tế và nội địa từ 15/3. Những đánh giá khách quan của chuyên gia và khách du lịch trên khắp thế giới sẽ giúp du khách lựa chọn những điểm đến tốt nhất, đồng thời góp phần nâng cao chỉ số năng lực phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới. Chính vì thế, ngành Du lịch cần có những hoạt động thu hút sự chú ý của người đi du lịch trong và ngoài nước bình chọn cho Việt Nam sau khi có những chuyến đi, trải nghiệm ở Việt Nam.

Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards, ông Graham Cooke cho rằng, những người chiến thắng tại giải thưởng này sẽ là những đại diện tốt nhất cho lĩnh vực du lịch và khách sạn của châu Á - Thái Bình Dương. Và đây chính là những người đi đầu trong phục hồi ngành du lịch và lữ hành.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 7.

Những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam mở cửa trở lại với sự chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm, nâng sức hấp dẫn của điểm đến cũng như sự thân thiện, mến khách, chu đáo của con người Việt Nam… là những điểm cộng giúp cho du lịch Việt Nam luôn được đánh giá rất cao từ các tổ chức chuyên ngành đến khách du lịch trên toàn thế giới.

Và những thế mạnh có thể kiến tạo động lực phát triển của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã có sự cải thiện rất đáng kể, nổi bật là 6 chỉ số trụ cột nằm trong nhóm chỉ số dẫn đầu thế giới (hạng 1-35).

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 13.

Bảng chỉ số năng lực phát triển du lịch của WEF. Nguồn: Tổng cục Du lịch

Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành vừa qua, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc).

Xét về tương quan trong khu vực, Việt Nam làm tốt hơn rất nhiều so với các điểm đến nổi tiếng khác như Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36; Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ 38; Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75.

Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột với 112 chỉ số thành phần, xếp theo 5 nhóm, gồm: (1) Môi trường hoạt động; (2) Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch; (3) Cơ sở hạ tầng; (4) Động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và (5) Sự bền vững của du lịch.

Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35), gồm có: (1) Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; (2) Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; (3) Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; (4) Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; (5) Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; (6) An toàn, an ninh, xếp hạng 33. Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 14.

Tài nguyên tự nhiên của Việt Nam là một trong 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 7 chỉ số trụ cột được xếp trong nhóm hạng trung bình cao của thế giới (hạng 36-70), đó là: (1) Môi trường kinh doanh, xếp hạng 42; (2) Nhân lực và thị trường lao động, xếp hạng 49; (3) Hạ tầng mặt đất và cảng, xếp hạng 50; (4) Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, xếp hạng 54; (5) Sức chống chịu kinh tế - xã hội, xếp hạng 61; (6) Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch, xếp hạng 66; (7) Mức độ mở cửa quốc tế, xếp hạng 69.

Như vậy, trong 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có 13 chỉ số được xếp vào nhóm từ trung bình cao cho đến nhóm dẫn đầu thế giới.

Những chỉ số tăng hạng nhiều nhất như: Môi trường kinh doanh tăng 30 bậc; Nhân lực và thị trường lao động tăng 27 bậc; Sức cạnh tranh về giá tăng 20 bậc; An toàn, an ninh tăng 16 bậc; Hạ tầng mặt đất và cảng tăng 15 bậc. Đây là những động lực chủ yếu giúp Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp vào 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 15.

Có thể nói những thành quả mà Việt Nam có được là sự ghi nhận, đánh giá rất khách quan từ bên ngoài đối với du lịch Việt Nam. Từ những tiêu chí đó mới ra được chỉ số năng lực phát triển về du lịch Việt Nam mà WEF vừa công bố. Sự ghi nhận của thế giới đã tạo niềm tin, sự tự tin cho ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 8.

Đánh giá về tình hình phát triển du lịch hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, du lịch Việt Nam trở lại với diện mạo mới, tâm thế mới, có sự chuẩn bị chu đáo cả về đầu tư nguồn lực và những chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Sức ảnh hưởng của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế đã tác động tích cực đối với du lịch Việt Nam.

Mới đây nhất, sự kiện SEA Games 31 được Việt Nam tổ chức sau 02 năm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã thành công rực rỡ. Sự ổn định về chính trị, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, sức sống của nền kinh tế đã tạo nên sức hút của du lịch Việt Nam mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, xã hội… Qua đó, hình ảnh Việt Nam khắc ghi ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế.

Du lịch Việt Nam và vị thế đầy tự hào trên bản đồ thế giới - Ảnh 17.

Có thể nói, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/03 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành. Để phục hồi và phát triển du lịch hơn nữa, ngành Du lịch Việt Nam vẫn rất cần tiếp tục giữ vững "phong độ", phát huy và khai thác hết tiềm năng còn ẩn giấu bên trong để không chỉ thu hút du khách nước ngoài mà ngay tại thị trường nội địa.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu đã được thị trường trong nước và quốc tế ghi nhận, đất nước và con người Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh về du lịch, giữ vững vị trí là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á và khẳng định vị thế là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

Thực hiện: Thương Huyền