Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng trước nhưng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam với ước đạt 2.584.840 lượt khách. Tiếp theo là Trung Quốc với 1.122.572 lượt khách. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ lần lượt là các thị trường gửi khách lớn thứ 3 và 4 với 575.101 lượt khách và 548.866 lượt khách.
Trong tổng số 8,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 7,8 triệu lượt người, chiếm 87,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1 triệu lượt người, chiếm 11,8% và gấp 4,9 lần; bằng đường biển đạt 64 nghìn lượt người, chiếm 0,7% và gấp 129,6 lần.
Khách đến Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ châu Á với hơn 6,8 triệu lượt người, tiếp đó là khách đến từ châu Âu đạt hơn 1 triệu lượt người và khách đến từ châu Mỹ đạt 682 nghìn lượt người.
Báo cáo thống kê cho thấy doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2023 ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lữ hành 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Đà Nẵng tăng 139,9%; Quảng Ninh tăng 98,8%; TP.HCM tăng 91,3%; Hà Nội tăng 67,4%; Hải Phòng tăng 50,9%; Cần Thơ tăng 39,6%.
Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2023 ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. 1 số địa phương ghi nhận doanh thu 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: TP.HCM tăng 24,6%; Đà Nẵng tăng 24,5%; Quảng Ninh tăng 22,5%; Hải Phòng tăng 13,8%; Hà Nam tăng 11,9%; Hà Nội tăng 10,5%...
Mức tăng trưởng này đạt được nhờ nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và từ đầu năm đến nay các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch.
Như vậy, dù còn tới 3 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng ngành du lịch Việt Nam đã chính thức vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, trong khi còn cả mùa cao điểm cuối năm để đón khách quốc tế. Đầu năm 2023, Thái Lan đã tăng mục tiêu đón khách quốc tế từ 10 triệu lượt lên 30 triệu lượt khi nhìn thấy các điều kiện thuận lợi. Indonesia cũng có điều chỉnh tương tự khi nhận thấy số liệu dự báo đầu năm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, du lịch Việt Nam cũng có thể đặt mục tiêu cao hơn trong những tháng cuối năm.
Một trong những cú hích quan trọng nhất tạo nên sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam đó là chính sách visa mới, có hiệu lực từ 15/8, cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
"Chính sách visa thông thoáng tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn. Đây là một trong những lý do khiến hai tháng gần đây khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng. Mùa cao điểm đón khách quốc tế của Việt Nam thường diễn ra từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Do đó, thời gian tới tôi chắc chắn lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn tăng hơn nữa", ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel lạc quan nói.
Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trước dịch COVID-19, cũng đã hồi phục mạnh mẽ. Trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 1 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, đứng thứ hai, chỉ sau Hàn Quốc. "Trước dịch khách Trung Quốc đi đường bộ nhiều. Sau dịch, họ dịch chuyển từ đường bộ sang đường hàng không. Hầu như chuyến bay đều kín", ông Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Giám đốc Công ty Phương Nam Travel, cho biết.
Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam cũng được nhiều đơn vị đánh giá cao. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, thời báo nổi tiếng Telegraph của Anh đánh giá Việt Nam đang có đà phục hồi du lịch đầy ấn tượng. Các quy định mới tạo thuận lợi về thị thực cùng với sự phát triển loại hình du lịch cao cấp đã giúp lượng khách du lịch dần quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19.
Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến cho kỳ nghỉ dài ngày lý tưởng với giá cả phải chăng so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tạp chí Micenet của Australia đã đánh giá miền Trung của Việt Nam là điểm đến "nóng" mới nổi về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện). Theo tạp chí này, ngày càng có nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế kết nối với Đà Nẵng - nơi đang phát triển thành điểm đến của du lịch MICE.
Đà Nẵng nằm ở vị trí thuận lợi giữa hai di sản thế giới được UNESCO ghi danh là Phố cổ Hội An và Quần thể di tích cố đô Huế. Tại đây còn có hệ thống cơ sở vật chất chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu du khách ở nhiều phân khúc khác nhau. Năm 2023, du lịch Đà Nẵng tập trung nhiều hơn vào du lịch MICE với nhiều hoạt động xúc tiến, hội chợ thương mại, du lịch quốc tế...
Du lịch Việt Nam cũng đã liên tiếp nhận được sự vinh danh của cộng đồng quốc tế. Hơn 40 giải thưởng World Travel Awards 2023 khu vực châu Á – châu Đại Dương được trao cho Việt Nam mới đây đã cho thấy du lịch Việt Nam ngày càng có vị thế trong khu vực. Đặc biệt, lần thứ 5 Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến hàng đầu châu Á" (các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023) và lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á" (năm 2022 và 2023).
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, chỉ trong 6 tháng đã từ vị trí thứ 11 vượt lên vị trí thứ 6 với mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của Đông Nam Á và cũng là điểm đến duy nhất của khu vực nằm trong nhóm này.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong thời gian còn lại của năm, ngành du lịch còn rất nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, nhất là khi nhiều quyết sách đã và đang phát huy hiệu quả, như Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết về chính sách thị thực, có hiệu lực từ ngày 15/8 vừa qua; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 hay Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…
"Ngành du lịch các địa phương cần tận dụng kinh tế đêm nói chung, hay du lịch đêm để tăng thêm sự trải nghiệm của du khách; tạo nên sự hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh của điểm đến du lịch…, từ đó tạo ra nguồn lực đóng góp lớn cho kinh tế đất nước", ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thông tin.
Trong tháng 9, Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế để tạo đột phá hơn nữa. Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), với tình hình khả quan như hiện nay, Việt Nam có thể nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế lên ít nhất đón 10 - 12 triệu lượt khách trong năm 2023, mức tăng tương ứng với các nước trong khu vực.
Thực hiện: Thương Huyền