Dư nợ kinh doanh bất động sản đạt 1,11 triệu tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
09:15 AM 16/03/2024

Tháng 1/2024, dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%.

Dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52% và chiếm 38,37% dư nợ tín dụng bất động sản. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52% và chiếm 38,37% dư nợ tín dụng bất động sản. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% tổng dư nợ tín dụng bất động sản; dư nợ bất động sản tự sử dụng/tiêu dùng (cho vay người mua nhà, nhà đầu tư) đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng bất động sản.

Bất động sản cùng với chứng khoán là hai lĩnh vực ghi nhận tín dụng tăng trưởng trong hai tháng đầu năm.

Dù vậy, NHNN cũng đã chỉ ra một số những khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực bất động sản.

Đầu tiên là khó khăn đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc, số lượng dự án cải tạo và xây dựng lại chung cư khan hiếm. Ngoài ra, một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp.

Một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai một số chương trình tín dụng còn vướng mắc là bởi sự thiếu linh hoạt trong việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường địa ốc đang trầm lắng. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa ngân hàng và khách hàng còn thiếu sự kết nối trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Ngoài ra, NHNN cũng chỉ ra những khó khăn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như bất động sản vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng với tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao.

Nhà điều hành chính sách tiền tệ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường địa ốc; chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan địa phương, các Hiệp hội bất động sản và kể cả các Tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tìm ra những khó khăn, vướng mắc cụ thể.

Do đó, NHNN đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Đồng thời khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2024, Luật kinh doanh Bất động sản 2024 và các Thông tư hướng dẫn; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án và việc tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện để các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33 (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).

NHNN đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng kết nối Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng được đề nghị chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan bảo đảm hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả; kiểm soát tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Bên cạnh đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.