Dư nợ margin các công ty chứng khoán đạt kỷ lục gần 282.000 tỷ đồng

Chứng khoán
03:31 PM 23/04/2025

Thị trường chứng khoán Việt Nam có quý đầu năm 2025 đã chứng kiến dư nợ margin của các công ty chứng khoán được đẩy lên mức cao kỷ lục, gần 282.000 tỷ đồng. Trong đó, một số công ty đã chạm mức trần cho vay.

Theo thống kê của VietstockFinance, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay giao dịch ký quỹ - margin) của các công ty chứng khoán tiếp tục thiết lập các cột mốc mới. 

Tính đến cuối quý 1, quy mô cho vay được đẩy lên mức hơn 281,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, tương đương tăng 35.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 trước đó và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 273.000 tỷ đồng, tăng 33.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Dư nợ margin các công ty chứng khoán đạt kỷ lục gần 282.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Như vậy, dư nợ cho vay toàn thị trường tạo ra chuỗi tăng 9 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý 1/2023.

Tổng dư nợ cho vay tại Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất đạt hơn 150.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% toàn thị trường. 

Nhiều công ty chứng khoán tăng mạnh cho vay, thậm chí có nhiều bên xác lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động, như ACBS, DNSE, FPTS, KAFI, KIS, MBS, SSI, TCBS, VCBS, VIX, VPBankS, VPS, Yuanta…

Dư nợ bứt phá giúp nguồn thu từ cho vay của các công ty chứng khoán tăng mạnh. Trong quý 1, tổng doanh thu từ hoạt động cho vay và phải thu toàn ngành đạt gần 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng đến 26% so với cùng kỳ năm trước.

Ba vị trí dẫn đầu về cả dư nợ cho vay và doanh thu cho vay lần lượt thuộc về TCBS, SSI và HSC. Trong đó, TCBS dẫn đầu thị trường với quy mô dư nợ kỷ lục gần 30,5 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, đồng thời doanh thu cho vay đạt 732 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Trong Top 10 dẫn đầu về dư nợ cho vay, HSC, Mirae Asset và Vietcap là ba trường hợp sụt giảm quy mô so với đầu năm. Còn trong Top 10 doanh thu cho vay, VNDIRECT là công ty dẫn duy nhất đi lùi.

Quy mô cho vay của các công ty chứng khoán được hỗ trợ bởi nguồn vốn chủ sở hữu, chỉ tiêu mà các bên liên tục cạnh tranh nhau trong suốt vài năm trở lại đây.

Theo quy định, tổng hạn mức được quy định không quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này của các công ty chứng khoán cuối quý 1 ở mức rất an toàn, với tổng dư nợ hơn 281,8 nghìn  tỷ đồng trong khi tổng vốn chủ gần 292,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng dư địa còn gần 52%.

Tuy nhiên, có những công ty chứng khoán tiến sát ngưỡng cho vay, điển hình như KIS, Mirae Asset và HSC, đều chỉ còn dư địa dưới 10%, thậm chí PSI đã vượt 7% theo quy định.

Thời gian qua, các công ty chứng khoán đã có nhiều động thái tăng vốn qua đó củng cố nguồn lực để mở rộng hoạt động cho vay và đáp ứng nhu cầu Non Pre-funding của tổ chức nước ngoài. Với làn sóng tăng vốn đã, đang và sẽ diễn ra, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ sớm có thêm công ty chứng khoán dư nợ tỷ USD.

Margin tăng mạnh trong quý đầu năm góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường cải thiện. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE liên tục tăng lên mức trên 18.000 tỷ/phiên trong tháng 3. Xu hướng này tiếp tục được duy trì thậm chí còn bùng nổ hơn trong tháng 4 khi thị trường có nhiều biến động mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, đà tăng dư nợ cho vay tại nhóm nhà đầu tư cá nhân hiện chỉ chiếm một phần, còn lại sẽ đến từ các tổ chức và “tay to” trên thị trường. Một phần dòng vốn này không hoàn toàn chảy vào thị trường mà được sử dụng cho các mục đích khác. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động mạnh theo chiều hướng không thuận lợi, tình trạng "force sell" (áp lực bán) có thể trở nên trầm trọng hơn.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn