Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
10:34 AM 23/04/2024

Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1 triệu tỷ đồng do 432 doanh nghiệp đã phát hành, chiếm 9,9% GDP, bằng 7,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 2023 và 2024 gửi tới lãnh đạo Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, có 88 doanh nghiệp (DN) đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng gần 297 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2022. Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành 167 nghìn tỷ (chiếm 56,3% khối lượng phát hành), DN BĐS phát hành gần 88 nghìn tỷ (29,6%) và các DN lĩnh vực khác phát hành 42 nghìn tỷ (14,1%).

Trái phiếu của các tổ chức tín dụng toàn bộ không có bảo đảm, trong khi 97,7% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành có bảo đảm.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, do 432 doanh nghiệp phát hành. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1 triệu tỷ đồng do 432 doanh nghiệp đã phát hành, chiếm 9,9% GDP, bằng 7,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn, trong năm 2023 các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn, với khối lượng khoảng 248.200 tỉ đồng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng mua lại trước hạn 126.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp bất động sản mua lại trước hạn 55.900 tỉ đồng, lĩnh vực khác mua lại trước hạn 66.300 tỉ đồng. Và trong 3 tháng đầu năm 2024 các doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị khoảng 17.600 tỉ đồng.

Về tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ tháng 7/2023 đến cuối năm, Bộ Tài chính cho biết tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 218.150 tỉ đồng, trung bình đạt 1.881 tỉ đồng/phiên giao dịch.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm 2023 có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị khoảng 83,6 nghìn tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực bất động sản chiếm 50,7%, xây dựng chiếm 4,7%, thương mại, dịch vụ chiếm 21,4%, sản xuất năng lượng chiếm 5%, doanh nghiệp các lĩnh vực khác chiếm 18,3%.

Trong số 139 doanh nghiệp này, có 33 doanh nghiệp đã hoàn thành việc thanh toán gốc lãi (chậm từ 1-30 ngày) với khối lượng khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng, 38 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư với khối lượng khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng.

Về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating vào tháng 2/2024, giá trị trái phiếu có rủi ro cao (chậm trả gốc, lãi) thấp hơn đáng kể so với năm 2023 do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.