Dự phòng thiếu Vitamin A và chứng ngộ độc khi thừa Vitamin A
Vitamin A là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em. Thiếu hoặc thừa Vitamin A đều gây tác hại đến sức khỏe của trẻ.
Dự phòng thiếu vitamin ở trẻ nhỏ
Khô mắt và mù do thiếu vitamin A là bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta. Hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 trẻ bị khô mắt và 350.000 trẻ bị mù do chế độ ăn uống thiếu vitamin A, chưa kể hàng triệu trẻ em khác đang bị nguy cơ thiếu vitamin A đe doạ. Tại nước ta, thiếu vitamin A cũng đang là một vấn đề lớn ảnh hưởng tai hại đến sức khoẻ của trẻ em, hàng năm làm nhiều trẻ em bị mù và có biểu hiện khô mắt.
Vitamin A là một chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với cơ thể, có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Sữa mẹ là nguồn vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Nhiều thức ăn động vật như lòng đỏ trứng, sữa, bơ, gan, dầu gan cá, v.v... có chứa nhiều vitamin A. Trong các thức ăn thực vật như gấc, cà rốt, đu đủ, xoài, rau dền, rau ngót, xà lách và nhiều loại rau quả khác có chứa nhiều chất béta caroten là một dạng tiền vitamin A, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.
Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A thường xảy ra ở những đứa trẻ không được bú mẹ, nuôi bằng các thức ăn nhân tạo, ăn uống thiếu vitamin A, hoặc sau khi mắc bệnh nặng, nhất là sau khi lên sởi, bị tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng protein - năng lượng, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới...
Dấu hiệu sớm nhận thấy của bệnh khô mắt do thiếu vitamin A là quáng gà. Đứa trẻ nhìn không rõ lúc trời tối chập choạng nên đi lại khó khăn, hay vấp ngã, có em ngồi yên một chỗ ngại đi lại. Nếu lúc này trẻ được phát hiện sớm và điều trị ngay, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu không, bệnh khô mắt sẽ tiến triển và gây ra những tổn thương ở kết mạc và giác mạc. Đầu tiên kết mạc mất vẻ bóng bình thường trở nên khô, dày, có khi gợn các nếp nhăn hoặc các vệt màu trắng xám nổi lên (vệt Bitot). Lúc này nếu được điều trị ngay bằng vitamin A bệnh sẽ khỏi. Nếu để muộn, giác mạc bị tổn thương, bị loét rồi thủng, mắt sẽ hỏng không chữa được nữa.
Cần chú ý thiếu vitamin A không chỉ gây ra khô mắt và mù mà còn làm cho trẻ chậm lớn, sức chống đỡ của cơ thể đối với các bệnh nhiễm khuẩn giảm sút, da khô và dễ bị mụn nhọt. Cũng vì vậy tỷ lệ tử vong của những trẻ thiếu vitamin A cao hơn trẻ em bình thường tới 30%.
Cẩn thận bệnh thừa và ngộ độc khi uống quá nhiều vitamin A
Do vitamin A quan trọng đối với sức khoẻ trẻ em như thế nên nhiều bậc bố mẹ khuyến khích con sử dung, thường xuyên mua những viên vitamin A hoặc dầu cá về cho con uông tự do, không có liều lượng gì cả.
Sự thật vitamin A đâu phải là một vị “thuốc bổ” càng uống nhiều càng tốt. Nếu chúng ta cho trẻ uống quá nhiều sẽ gây ra bệnh thừa và ngộ độc vitamin A rất có hại cho sức khoẻ.
Triệu chứng của ngộ độc vitamin A như sau :
Ngộ độc cấp tính: Thường gặp ở trẻ nhỏ sau khi uống vitamin A liều cao. Trẻ quấy khóc nhiều, buồn nôn hoặc nôn, thóp căng phồng, rối loạn cảm giác… Chính vì các triệu chứng thóp căng phồng và nôn, nhiều bà mẹ đã hốt hoảng mang con đến bệnh viện vì tưởng trẻ bị viêm não hoặc màng não.
Ngộ độc mạn tính: Thường gặp ở những trẻ em uống vitamin A kéo dài với liều lượng cao hơn lứa tuổi. Trường hợp này trẻ bị phù nề niêm mạc, rụng tóc, chán ăn, tiêu hoá kém, trên da xuất hiện các rối loạn sắc tố, gan, lách to, thiếu máu… Sức khoẻ của trẻ bị ảnh hưởng nhiều, hay yếu đau quặt quẹo, chậm lớn.
Nên nhớ vitamin A (tên khoa học là retinol) là một loại vitamin tan trong chất béo, khi vào cơ thể dưới dạng thức ăn hay thuốc nó được hấp thu tới 80%, trong đó 60% được tích luỹ ở gan dưới dạng polmital retinol ở các tế bào mỡ. Đây là loại vitamin có khả năng tích luỹ trong cơ thể cao, nếu khi dùng vitamin A chúng ta không chú ý đến liều lượng, cho trẻ uống nhiều quá sẽ gây ra thừa và ngộ độc.
Vì vậy khi dùng vitamin A cho trẻ em ta phải chú ý làm theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, không thể cho trẻ uống tuỳ tiện. Trường hợp thấy trẻ có những triệu chứng ngộ độc vitamin A, chúng ta phải ngừng ngay thuốc, đồng thời không cho trẻ ăn thêm các thức ăn có nhiều vitamin A (gan cá thu, trứng…) hoặc các loại quả có nhiều tiền vitamin A (gấc, cà rốt, đu đủ…). Cho trẻ uống nhiều nước và vitamin C liều cao : 300mg đến 500mg một ngày, các triệu chứng ngộ độc trên sẽ giảm dần và hết trong vòng 5-7 ngày.
NKCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.