Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ hạn chế được giấy phép con?
Mỗi lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dư luận lại bày tỏ kỳ vọng về chất lượng các văn bản được ban hành trong tương lai.
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang tiếp tục được lấy ý kiến. Theo dự kiến, Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV).
Tình trạng giấy phép chồng giấy phép luôn là nỗi lo của doanh nghiệp.
Chồng chéo pháp luật kinh doanh, nỗi lo giấy phép con tái xuất hiện
Trong một hội thảo gần đây do VCCI tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực trạng nhiều quy định pháp luật tại các bộ luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn với nhau là vấn đề đã, đang tồn tại dai dẳng trong hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam.
Minh chứng về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, VCCI đã tiến hành khảo sát các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh được quy định tại nhiều bộ luật như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS)… và thống kê được “hàng dài” trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật.
Đơn cử, liên quan đến quy định về năng lực tài chính của chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh bất động sản quy định: Chủ đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định ít nhất là 20 tỷ đồng (Điều 10). Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định: Chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên (Điều 14).
Không chỉ thế, ở một khía cạnh khác các văn bản pháp luật mới đang soạn thảo thì nỗi lo về tình trạng giấy phép con tái xuất. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, khi mà Dự thảo Luật lần này đã quàng thêm giấy phép con cho doanh nghiệp và cả các lái xe trong lĩnh vực vận tải.
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì một trong số những nguyên nhân để dẫn đến tình trạng này xuất phát chính từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, giám đốc VMC thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật về công nghệ làm luật. Chính vì vậy, nếu chất lượng của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thấp, hoặc việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chậm trễ, khó khăn, hệ thống pháp luật kinh doanh chồng chéo, giấy phép con tái xuất hiện… thì đó là những căn cứ để tin rằng công nghệ làm luật đang có vấn đề hay cụ thể hơn Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đang có vấn đề.
Sửa đổi như thế nào?
Trước những bất cập nan giải như trên, nhiều người khẳng định cần có những giải pháp cụ thể đối với từng tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng theo đánh giá của TS Nguyễn Sĩ Dũng thì trách nhiệm sẽ chỉ là một phần của vấn đề.
Phần quan trọng nhất mà Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải làm rõ chính là tìm được triết lý và động lực cho quy trình lập pháp.
“Chúng ta cần phải làm rõ được triết lý của công đoạn Chính phủ trong quy trình lập pháp là gì; công đoạn Quốc hội trong quy trình lập pháp là gì? Động lực thúc đẩy quy trình lập pháp được thiết kế như thế nào? Quy trình chính trị của chính sách khác với quy trình kỹ thuật của chính sách như thế nào? Hai quy trình này được tổ chức ra làm sao? Đây là những vấn đề quan trọng và cơ bản hơn xử lý trách nhiệm rất nhiều”, ông Dũng nói.
Theo quan điểm của ông Dũng dự thảo đã có cố gắng để xử lý một số vấn đề thực tế đang được đặt ra, như đã nêu ở trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản về triết lý và động lực của quy trình lập pháp như đã nói ở trên thì vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
“Do đó, tôi thấy nên bảo vệ cho được kiến nghị chuyển công việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản về cho cơ quan soạn thảo. Đây quả thực là một phần của việc khôi phục lại động lực lập pháp. Đồng thời cần xử lý mấy vấn đề về triết lý và động lực của quy trình lập pháp như đã nói ở phần trên”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.