Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Quy định vốn đầu tư được thay đổi như thế nào?
Một trong những điểm nhấn quan trong trong Dự thảo Luật Đầu tư lần này chính là việc sửa đổi khái niệm “vốn đầu tư”.
Sáng ngày 8/6/2020, Quốc hội đã thông qua việc phê chuẩn hai Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới này được đánh giá sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại cũng như hoạt động đầu tư tư nhân giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên của EU và các quốc gia tham gia CPTPP.
Trong bối cảnh này, những sửa đổi trong Dự thảo Luật Đầu tư đang được thảo luận và chuẩn bị thông qua tại Quốc hội trở nên có ý nghĩa, thể hiện những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới. Việc mở rộng khái niệm “vốn đầu tư” trong Dự thảo luật mang ý nghĩa quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như đối với Việt Nam - quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Việc mở rộng và quy định chi tiết về hình thức vốn đầu tư có thể thúc đẩy các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khả năng chuyển dịch vốn đầu tư được củng cố do những vấn đề về chính trị, bệnh dịch và công nghệ.
Mở rộng phạm vi “vốn đầu tư” phù hợp với cam kết quốc tế
Luật Đầu tư 2014 định nghĩa “vốn đầu tư” là “tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh” (Khoản 18 Điều 3). Định nghĩa này được kế thừa từ Luật Đầu tư 2004. Thực tiễn cấp phép đầu tư và thực hiện vốn đầu tư trong nhiều năm qua cho thấy các quy định trước đây và cho đến hiện nay về phạm vi vốn đầu tư còn hạn chế về hình thức vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dường như, các quy định chỉ khuyến khích loại hình đầu tư bằng tiền mặt (cash investment) hơn là các loại hình vốn đầu tư khác.
Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mở rộng khái niệm “vốn đầu tư” bằng việc bổ sung cụm từ “theo quy định của (…) điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” không chỉ phản ánh những cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế, mà còn thể hiện rõ việc Việt Nam chấp nhận các hình thức vốn đầu tư đa dạng hơn, đặc biệt đối với vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Định nghĩa về “vốn đầu tư” trong các Hiệp định EVIPA và CTTPP đã xác định vốn đầu tư không chỉ bao gồm “tiền và tài sản” mà còn liệt kê chi tiết, rõ ràng các quyền về tài sản, như quyền sở hữu trí tuệ, quyền phát sinh từ hợp đồng… Quy định chi tiết này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước của Việt Nam hiểu rõ được phạm vi của hình thức vốn đầu tư.
Hơn nữa, trong bối cảnh thay đổi toàn cầu do những tác động của thời kỳ công nghệ 4.0, chính sách bảo hộ, chính sách an ninh quốc phòng,… xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được tạo mới hoặc củng cố thêm nhiều hình thức và phương thức đầu tư, như đầu tư không bỏ vốn, đầu tư gần chính quốc (nearshoring) hoặc tại chính quốc (onshoring). Do đó, phạm vi về vốn đầu tư trong các Hiệp định EVIPA và CTTPP cũng như thay đổi trong Dự thảo luật là rất phù hợp.
Việc mở rộng phạm vi “vốn đầu tư” trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết chỉ đạo “khu vực vốn đầu tư nước ngoài phải kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước” và “ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, đồng thời “phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế”.
Tuy nhiên, để sàng lọc và kiểm soát hiệu quả các khoản vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dựa trên sự mở rộng khái niệm vốn đầu tư của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi thì cần phải sửa đổi, bổ sung thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể.
Cơ hội đối với nhà đầu tư
Như đã nêu ở trên, việc mở rộng và quy định chi tiết về hình thức vốn đầu tư có thể thúc đẩy các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khả năng chuyển dịch vốn đầu tư được củng cố do những vấn đề về chính trị, bệnh dịch và công nghệ.
Gần đầy, nhiều thông tin cho rằng có xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc ra một số nước ở Châu Á. Tuy nhiên, để tiếp nhận được khả năng chuyển dịch này thì những quy định pháp luật hiện hành về phạm vi, điều kiện về vốn đầu tư cần phải được sửa đổi phù hợp với xu hướng này. Ví dụ, đối với việc máy móc hay dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng trước khi nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp di chuyển một nhà máy từ quốc gia khác sang Việt Nam, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nên được rà soát lại sao cho bao quát được các các trường hợp có thể xảy ra khi phạm vi vốn đầu tư được mở rộng.
Có thể nhận thấy, nhiều hoạt động đầu tư có tính đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong cuộc cách mạng 4.0, hay đầu tư xuyên biên giới không góp vốn hay đầu tư mang tính liên kết chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một phát triển thì có thể vốn đầu tư bằng tiền mặt hay tài sản lại không có ý nghĩa quan trọng bằng quyền tài tài sản, như hợp đồng phân phối, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hợp đồng nhượng quyền, quyền sở hữu trí tuệ...
Vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư trong nước cũng cần phải chuẩn bị được khả năng sẵn sàng tiếp nhận hoặc chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư đã nêu với những hỗ trợ về quy định pháp luật và thủ tục pháp lý.
Xác định sớm được xu hướng này, nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mới cũng như tăng cường được khả năng cạnh tranh toàn cầu với doanh nghiệp từ những quốc gia khác trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do và đầu tư thế hệ mới.
Việc mở rộng phạm vi vốn đầu tư không chỉ có ý nghĩa đối với việc mở rộng khả năng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài mà còn mở rộng khả năng bảo vệ khoản vốn đầu tư dưới hình thức mới. Nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư Việt Nam hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư bằng các hình thức vốn không phải là tiền mặt, tài sản hữu hình mà gồm cả những quyền tài sản khác mà các Hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới đã điều chỉnh.
LS NGUYỄN HƯNG QUANG, LS PHẠM THỊ HẠ VÂN - Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sựNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.