Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đáng chú ý, dự thảo quy định các nội dung: Sẽ có thành phố ở trong Thành phố Hà Nội; Không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp phường...
Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, đề xuất cán bộ tại Hà Nội được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố với các tiêu chuẩn chung. Để thu hút nhân tài cống hiến cho thành phố, Chính phủ đề xuất Hà Nội có chế độ đãi ngộ nhân tài riêng, như tuyển dụng không qua thi tuyển.
Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Số lượng đại biểu HĐND thành phố vì vậy tăng từ 95 lên 125, tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%. Số lượng Phó chủ tịch HĐND từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan này.
Cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15. Theo đó, Hà Nội dự kiến thành lập hai thành phố thuộc TP Hà Nội là thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); tại phía Tây sẽ là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai). Trong đó TP phía Bắc rộng khoảng 633km2, dân số 3,25 triệu người; TP phía Tây rộng 251km2, dân số khoảng 1,2 triệu người.
Các thành phố này có những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã về số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách đều tăng và được bổ sung Ban Đô thị.
Ngoài việc thành lập thành phố trong thành phố, dự luật Thủ đô sửa đổi cũng xem xét hàng loạt cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Cụ thể, Thường trực HĐND thành phố có thêm một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C...
UBND TP được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại TP.HCM).
UBND TP được mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ; quy định mang tính nguyên tắc về không gian ngầm.
Một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cũng được đề xuất phân cấp cho HĐND, UBND thành phố. Chẳng hạn như HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được phép liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài. HĐND TP quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học. UBND thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học.
Bên cạnh đó, HĐND TP được quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.