Dự thảo Luật về PPP: Phải loại bỏ hoàn toàn hình thức hợp đồng BT?
Theo dự kiến Dự thảo Luật về PPP sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này. Nhưng đối với hình thức BT, câu trả lời cho câu hỏi giữ hay bỏ các dự án BT vẫn chưa có lời giải đáp.
BT làm thất thoát tài sản của nhà nước
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, bản chất của dự án BT (xây dựng-chuyển giao) là nhà nước đặt hàng hoặc thuê một nhà đầu tư tư nhân xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho nhà nước. Đổi lại, nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư đó bằng tiền hoặc bằng công trình (đất đai).
Ông Cường cho rằng nếu Chính phủ muốn thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì Chính phủ có điều chỉnh bằng Luật Đấu thầu, là lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình.
Còn việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng các giá trị tài sản hoặc đất đai thì chúng ta đã có điều chỉnh ở Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Để có được 3,5km đường Trần Hữu Dực, Nam Từ Liêm,
nối đường Lê Đức Thọ và đường 70, Hà Nội phải đổi gần 70 héc-ta đất.
Từ những lập luận trên, ông Cường nhấn mạnh rằng, không nên đưa hình thức hợp đồng BT vào trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.
“Nếu chúng ta vẫn cứ cho BT là một dạng dự án PPP thì sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư tự thiết kế, xây dựng và sau đó nhà nước phải mua lại theo giá mà nhà đầu tư đã khai báo. Điều đó dẫn đến tình trạng công trình này có thể giá sẽ đội lên hơn so với giá trị thực. Ngược lại, nhà đầu tư lại được hưởng những ưu đãi của chính sách đối với PPP, ví dụ hưởng giá thấp về đất đai”, ông Cường cảnh báo.
Theo ông Cường, nếu tiếp tục hình thức này, thì việc lặp lại tiêu cực như chúng ta gặp trong thời gian vừa qua là chúng ta mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản với giá rẻ là điều không thể tránh khỏi.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Hòa (đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp) cho hay thời gian qua, dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận không tốt. Nhà đầu tư thường hay tranh thủ cơ quan có thẩm quyền để được chỉ định thầu các dự án mà nhà nước cần.
Nhà nước hoàn lại cho nhà đầu tư thông thường là bất động sản, những nơi được xem là khu đất vàng, giá trị cao gấp nhiều lần, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
"Tôi đề nghị dự luật không quy định dự án BT, vì dự án này không thuộc bản chất của dự án PPP. Mặt khác, nếu nhà nước thiếu vốn thì đấu giá quyền sử dụng đất sẵn có để có vốn đầu tư công vào các dự án mình cần, thay vì giao cho nhà đầu tư BT xây dựng rồi chuyển giao đất mà không qua đấu giá cho nhà đầu tư, dễ tiêu cực, gây dư luận xấu. Tôi nghĩ chủ đầu tư công của nhà nước hiện nay, các Ban quản lý dự án đủ năng lực để thực hiện dự án, không cần áp dụng hợp đồng BT", ông Hòa nói.
Thay đổi đất lấy hạ tầng bằng phương thức nào?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA trong một lần trả lời báo giới về hình thức BT đã nhấn mạnh, cần tách bạch giữa hai chuyện: Việc các nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng theo phương thức PPP và cách thức thanh toán của hợp đồng hợp tác.
Theo đó, một mặt, việc kiểm soát khâu đánh giá năng lực nhà đầu tư BT hoặc BOT cũng như kiểm soát giá thành xây dựng là cần thiết, có thể thực thi theo con đường đấu giá - nhà đầu tư nào đưa phương án BT có giá thành hợp lý, đảm bảo năng lực tài chính, đầu tư, vận hành, sẽ có cơ hội trúng đấu giá, đảm bảo công bằng công khai và minh bạch. Một mặt khác, quỹ đất dự kiến dùng làm tài sản thanh toán, hay nói nôm na là đổi lấy dự án hạ tầng - thay vì đổi ngang cho nhà đầu tư tham gia trúng thầu BT, BOT, sẽ được đấu giá công khai minh bạch qua trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
Trên cơ sở đó, Nhà nước thu được nguồn tiền tối đa -đặc biệt với các tài sản đất công có giá cao có nhiều tổ chức muốn sở hữu, phát triển và khai thác. Nguồn tiền thu được dùng chi trả cho giá dự án tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng, phần dôi dư bổ sung ngân sách.
Tại Dự thảo lần 1, Dự thảo Luật về PPP, Ban soạn thảo đã đưa ra phương án đối với loại hợp đồng BT, trong trường hợp tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 phương án lấy ý kiến: Một là đấu thầu dự án BT (Nhà đầu tư ứng trước tiền GPMB, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước); hai là thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT (Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng).
“Nếu chúng ta muốn làm dự án nhanh thì có thể thanh toán đối trừ luôn, đảm bảo đất vẫn đấu giá theo Luật Đất đai, dự án vẫn được đấu thầu công khai, minh bạch”, ông Trương nói.
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.