'Dù trẻ được tiêm hay chưa thì đi học là vô cùng cần thiết'
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc cho trẻ đi học là vô cùng cần thiết đối với cả trẻ đã được tiêm vaccine COVID-19 lẫn chưa được tiêm.
Theo UBND TP. Hà Nội, từ ngày 8/2, Thành phố cho phép học sinh từ lớp 7 đến 12 trở lại trường học. Đối với trẻ em mầm non và tiểu học tại 18 huyện, thị xã ngoại thành, thời gian ấn định là ngày 14/2.
Mặt khác, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang đề xuất cho học sinh tiểu học khu vực nội thành trở lại trường từ ngày 21/2. Nhất là trong Chỉ thị 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu quyết liệt mở cửa cơ sở giáo dục để học sinh, sinh viên đi học trực tiếp, chậm nhất là ngày 14/2.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đắc Phu cho biết, đối với những trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vaccine thì nhiều quốc gia trên thế giới đã hối thúc học sinh, sinh viên đi học trở lại. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch cho nhóm này, các quốc gia đã kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Trong đó, Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm...
Theo ông Phu, việc cho trẻ đi học lại là vô cùng cần thiết đối với cả trẻ đã được tiêm vaccine lẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19. Bởi hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất. Từ đó, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm hoặc bệnh không lây nhiễm, tiềm ẩn rủi ro lớn. Vì vậy cần cho trẻ đi học trực tiếp vì lợi ích của học trực tiếp với sự phát triển thể chất, tâm lý, trí tuệ của trẻ.
Đối với trẻ em chưa tiêm vaccine cũng cần phải cho đi học nhưng phải bảo đảm an toàn. Hiện nay, chúng ta đã thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, chuyển từ chiến lược "Zero F0" sang chiến lược chấp nhận có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; vừa kiểm soát được dịch bệnh cũng như vừa phát triển kinh tế và cho trẻ em đến trường cũng phải thích ứng để việc học của trẻ không bị gián đoạn.
Chính vì vậy, để bảo đảm cho trẻ đi học trở lại và phòng, chống dịch hiệu quả, ngoài việc tổ chức tốt quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường, cũng như cơ quan Y tế là vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Trần Đắc Phu, chúng ta cũng cần phải đánh giá, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, rồi xác định F1, F0 như thế nào cho đúng. "Nguy cơ đến đâu chúng ta thực hiện đáp ứng đến đó". Đơn cử như Bộ Y tế có đánh giá lại cấp độ dịch thì các địa phương cũng cần phải áp dụng theo đó. Tránh hiện tượng chỉ có một số trường hợp F0 gia đình mà cả phường đó bắt các cháu nghỉ học. Hoặc có trường hợp F0 thì cả quận phải nghỉ học. Hoặc dịch chỉ xảy ra ở 1 lớp mà bắt cả trường nghỉ học.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cũng phải thực hiện đúng theo dịch tễ, tránh xét nghiệm tràn lan và không cần thiết, vừa không hiệu quả, vừa tốn kém cho nhà trường và tốn kém cho gia đình trẻ. Chúng ta chỉ xét nghiệm khi trẻ có triệu chứng và yếu tố dịch tễ nghi ngờ.
Thiện TâmMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.