Đưa các sản phẩm OCOP của Hà Nội lên TikTok
Ngày 31/8, Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội và TikTok ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mang đến bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố.
Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận.
Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó: ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
TikTok hiện đang là nền tảng giải trí hàng đầu hàng đầu thế giới và Việt Nam. Sứ mệnh của TikTok là khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và mang đến những trải nghiệm vui vẻ, thú vị cho người dùng. Giải pháp thương mại điện tử (e-commerce) TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo dành cho cả người mua, người bán và nhà sáng tạo nội dung, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, liền mạch ngay trên TikTok, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP, đồng thời cung cấp trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng và cơ hội phát triển cho các nhà sáng tạo nội dung.
Được tích hợp trọn bộ ngay trên nền tảng, TikTok Shop giúp các chủ thể tối ưu quy trình tiếp cận người dùng, đồng thời có trải nghiệm thương mại điện tử liền mạch từ khâu tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, giao hàng và thanh toán.
Đặc biệt, với xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng có thêm cơ hội để gắn kết với cộng đồng thông qua yếu tố giải trí và khả năng tương tác cao trong những nội dung giới thiệu hoặc tạo nhu cầu cho những sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội cho biết, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phấm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.
Đồng thời, triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.
Do đó, Hà Nội đã ký kết thỏa thuận với TikTok nhằm mang đến bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện cho Chương trình OCOP của thành phố. Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước sử dụng kênh mạng xã hội TikTok làm kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Sự hợp tác chính thức giữa Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP của Hà Nội. Các bên sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về tạo videos ngắn trên TikTok để quảng bá sản phẩm OCOP, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Với chuyên môn và thế mạnh về các giải pháp sáng tạo đa dạng trên nền tảng, TikTok sẽ cùng Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội xây dựng nền tảng số vững chắc cho Chương trình OCOP, bắt đầu từ việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho các cá nhân và tổ chức trực thuộc.
Ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, trải nghiệm thương mại điện tử là mang đến những ưu đãi tốt nhất tới đúng đối tượng một cách hiệu quả nhất có thể. Tuy nhiên, thói quen mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi, và họ đang sử dụng internet để tìm kiếm niềm vui. Người tiêu dùng sẽ nói không với những lời chào hàng, nhưng họ sẽ nói có với những trải nghiệm giải trí.
Quang LộcBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.