Đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô

Sự kiện
02:35 PM 14/10/2020

Thời gian qua, mặc dù Hà Nội đã có những hoạt động quảng bá, nhưng nhiều sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do đó, các sở, ban, ngành thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô - Ảnh 1.

Khách nước ngoài tham gia và vô cùng quan tâm đến các sản phẩm OCOP.

Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thành công sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Chương trình có sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lễ khai mạc đã diễn ra vào tối 9/10 thu hút sự quan tâm, chú ý, hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Tại lễ khai mạc, Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội đã trao tặng 1.000 cây dược liệu (Thạch Hộc Tía và Lan Kim Tuyến) cho Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để duy trì và phát triển sự đa dạng sinh học khu vực K9. Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động hấp dẫn như trình diễn nghệ thuật thư pháp, trình diễn nghệ thuật ẩm thực cá ngừ… qua đó để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Mục tiêu đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn… để OCOP trở thành thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm, sử dụng.

Thực hiện Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/5/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai mô hình chỉ đạo điểm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội năm 2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố.

Sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần này đã có 150 gian hàng, gần 1.000 sản phẩm OCOP và trên 2000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền của 27 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng, 18 tỉnh thành trong cả nước tham dự và thành phố Hà Nội đã được trưng bày tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đặc biệt trong thời gian diễn ra sự kiện còn có các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng cho các vùng miền của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng: Hát ca trù, hát xẩm, cụ đồ viết thư pháp, làng nghề nặn tò he, trải nghiệm làng nghề gốm Bát Tràng…

Đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô - Ảnh 2.

Nhà thư pháp trình diễn viết chữ Long trong hình tượng Thăng Long theo trường phái Vật điểu.

Các sản phẩm trưng bày tại Hội chợ đều được công nhận từ 3 sao trở lên; các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia Chương trình OCOP của các địa phương. Sản phẩm tham gia hội chợ có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bao bì, nhãn mác, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Ban Tổ chức bố trí 1 xe phân tích, kiểm tra nhanh chất lượng các sản phẩm tham gia sự kiện…

Hội chợ đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tới tham quan, mua sắm. Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hội chợ là cơ hội để giúp cho các chủ thể kết nối giao thương sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, giúp các đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đơn vị kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng Thủ đô, người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia nhiệt tình, tích cực trong việc phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ minh chứng đăng ký tham gia dự thi Chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm chế biến sâu đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế cũng tham gia dự thi.

Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân"…

Thông qua các hình thức tuyên truyền, các lớp đào tạo đã phần nào nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Chương trình tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất; khai thác được giá trị tiềm năng của các làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sắp tới, từ ngày 29/10 - 2/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP tại miền Trung - Tây Nguyên. Do tình hình lũ lụt xảy ra tại miền Trung nên khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Trên tinh thần tương thân tương ái với đồng bào miền Trung, nhiều đơn vị đã quyết định đấu giá sản phẩm để quyên góp, ủng hộ người dân miền Trung.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.