Đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng trở thành động lực phát triển của cả nước

Địa phương
11:35 AM 30/03/2022

Đó là nội dung Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua, đây sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá, đưa thành phố này từ một cực tăng trưởng trở thành động lực phát triển của cả nước.

Đó là nội dung Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua, đây sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá, đưa thành phố này từ một cực tăng trưởng trở thành động lực phát triển của cả nước.

Dấu ấn trên bình diện chung

Năm 2021, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống đại dịch COVID-19 nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng đã đón những niềm vui riêng với những dấu ấn khó quên trên tất cả mọi phương diện. Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố tăng 12,38%, tuy không đạt mục tiêu 13,5% như kế hoạch, nhưng mức tăng trưởng này thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Nổi bật, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 90.421 tỷ đồng, tăng 17,2% so với dự toán Trung ương giao, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%, thu nội địa khoảng 35 nghìn tỷ đồng, tăng 33,1% so với dự toán Trung ương giao.

Cùng với đó, một số chỉ tiêu chủ yếu khác cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế thành phố: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 23,19%; sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 7,36%... so với cùng kỳ năm 2020.

Hải Phòng: Kinh tế trở thành động lực phát triển của cả nước - Ảnh 1.

Cảng Hải Phòng là một trong những “mắt xích” quan trọng trong hải trình toàn cầu.

Thành phố cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng đô thị…; khởi công 10 dự án, khánh thành 11 dự án, hoàn thành và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm, như: trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; đường nối nút giao Nam Cầu Bính đến nút giao đường Tôn Đức Thắng - Quốc lộ 5; đường xuyên đảo Cát Hải; hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tiên Lãng…; đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, như: đường Đông Khê 2, Cầu Rào 1, nút giao khác mức ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng nước - Quốc lộ 5; tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với Đường 356 (giai đoạn 2); nút giao thông ngã 5 Kiến An;…

Đáng nói, trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tính đến tháng 10/2021, thành phố hỗ trợ trực tiếp cho 1.891 đối tượng với số tiền hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ gián tiếp cho 385.112 lao động với số tiền gần 63 tỷ đồng; hỗ trợ 180.000 lượt trẻ em với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng; thăm và tặng quà cho 235.581 lượt người có công, kinh phí trên 450 tỷ đồng (tăng 11,89%); hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo năm học 2020-2021.

Năm 2021 đánh dấu khởi đầu trong hoàn cảnh chính trị rất đặc biệt, đó là những bài học lớn được đúc rút trong cả giai đoạn phát triển, hình thành chiến lược được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, trên nền tảng định hướng tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

"Trái ngọt" từ cơ chế đặc thù

Trước thềm năm mới 2022, Hải Phòng đã được Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Đây sẽ là tiền đề cơ sở tạo nguồn động lực cơ yếu, để kinh tế Hải Phòng tự tin hơn trên lộ trình bứt phá. Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho thành phố, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của cả nước, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Cụ thể, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương, đồng thời để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố trong những năm tiếp theo, thực hiện có kết quả tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW.

Chính sách về quản lý đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, chính sách về quản lý quy hoạch sẽ góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển; chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Ngoài các cơ chế, chính sách trên còn có thêm "luồng gió" từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chắt lọc kinh nghiệm của cả giai đoạn hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ đó chuẩn hóa bộ máy điều hành mới, để vận hành những cơ chế mới.

Trước những cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hải Phòng đã vận dụng và phát huy hiệu quả tinh thần sáng tạo, chủ động trong mọi tình huống. Thậm chí, giữa vòng xoáy dịch bệnh COVID-19, song song với nhiệm vụ kép, thành phố triển khai các Nghị quyết của Đảng, cùng với những cơ chế mới phù hợp với thực tiễn, với phương châm "biến nguy thành cơ". Điều đó cũng đã được cụ thể hóa thành 11 chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra trong năm 2022 và quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành động lực phát triển chung của cả nước.

Phan Thương
Ý kiến của bạn