Đưa khoa học công nghệ đến với nông dân
Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất là giải pháp then chốt nhằm nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập phát triển hiện nay. Xác định rõ điều này, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phối hợp các sở, ngành và chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo để đưa khoa học công nghệ đến với nông dân.
Trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng khoa học công nghệ mới theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt
Những năm qua, cây ổi ở Đông Dư đã giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập. Bà Lê Thị Vui ở thôn 8, xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Với 4 sào trồng ổi, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 6 tấn quả. Cây ổi cho quả quanh năm, năng suất cao, quả giòn, ngọt, thơm nên giá bán cũng cao. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu được từ 150 đến 170 triệu đồng”.
Nói về sự chuyển đổi của cây ổi ở Đông Dư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Dư Nguyễn Thống Nhất cho biết: Để phát huy thế mạnh từ cây ổi - một loại cây truyền thống của xã, Hội Nông dân xã đã phối hợp Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con ứng dụng những phương thức canh tác mới như: Bón thúc theo định kỳ bằng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh để cây sinh trưởng tốt; hay cuối mỗi đợt thu hoạch, tỉa bớt cành, tạo độ thông thoáng nhằm giảm nấm mốc và hạn chế sâu bệnh… Với việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng ổi Đông Dư được cải thiện rất nhiều.
Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Văn Khang cho biết: Phát triển đàn lợn, đàn bò, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn nông dân chuyển từ thụ tinh lợn, bò trực tiếp sang thụ tinh nhân tạo với nhiều giống lợn, giống bò chất lượng cao. Hiện tại, giống bò BBB đã chiếm tới 47% tổng đàn bò của huyện và hơn 90% đàn lợn là giống chất lượng cao, từ đó tăng cả sản lượng và chất lượng thịt so với các giống truyền thống.
Thực tế, để nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; giới thiệu các giống cây, con; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới cũng như phương thức chăm sóc, thu hái, sơ chế…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê, khoa học công nghệ là giải pháp then chốt nhằm nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Do đó, Hội Nông dân đặc biệt coi trong việc đưa khoa học công nghệ đến với bà con.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các cấp hội nông dân đã phối hợp với nhiều sở, ngành chức năng, cơ quan chuyên môn tổ chức 708 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 70.043 lượt cán bộ, hội viên nông dân, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Đồng thời, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, Hội Nông dân đã tổ chức 18 lớp tập huấn, hướng dẫn gần 1.500 cán bộ, hội viên nông dân các huyện, thị xã sử dụng máy tính và truy cập mạng internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đưa khoa học công nghệ đến với nông dân là con đường ngắn nhất để nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, việc Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp các sở, ngành và chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo đưa khoa học công nghệ đến với nông dân mang ý nghĩa lâu dài, tạo nền tảng mới cho sự phát triển.
Đỗ MinhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.