Dừa là điểm sáng trong xuất khẩu nửa đầu năm 2025

Xuất nhập khẩu
02:55 PM 08/07/2025

Dừa trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong các tháng đầu năm nay nhờ nhu cầu từ các thị trường tăng, đẩy giá tăng cao.

Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu dừa có kim ngạch 216,3 triệu USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá dừa của Việt Nam hiện đạt 7,26 USD/kg. 

Dừa là điểm sáng trong xuất khẩu nửa đầu năm 2025- Ảnh 1.

Ngoài Việt Nam, giá dừa đang tăng vọt trên khắp thế giới khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại những quốc gia sản xuất hàng đầu làm gián đoạn nguồn cung, tác động trực tiếp đến nhiều ngành công nghiệp, từ thực phẩm, đồ uống đến mỹ phẩm.

Thời gian qua, Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường lớn cho trái dừa, trong đó có thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo hiệu ứng domino, nhiều thị trường đã tăng cường tìm kiếm dừa Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn một năm. Một phần ba diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành dừa Việt Nam đã có bước chuyển mình khá tích cực trong những năm gần đây, từ cây xóa đói giảm nghèo trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia và đóng góp đáng kể cho sự ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân. 

Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu. Hiện, cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới. Theo đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của ngành nông nghiệp, cây dừa phấn đấu đạt sản lượng 2,1 - 2,3 triệu tấn/năm.

Để đạt được mục tiêu, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam cho rằng, cần triển khai các giải pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, thay vào đó là các mặt hàng chế biến sâu.

Mục tiêu trọng tâm mà Hiệp hội hướng đến là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng nguồn lực trong nước để phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm từ dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, chúng tôi đã có chủ trương xin Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt xây dựng bản đồ dừa, bản đồ số nhằm tích hợp các thông tin như vùng nguyên liệu, thông tin giá cả... Về xây dựng thương hiệu, Hiệp hội đang đồng hành với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương để xây dựng thương hiệu quốc gia cho các thương hiệu ngành dừa đạt, phấn đấu 20% các doanh nghiệp dừa đạt được thương hiệu quốc gia trong thời gian tới.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn