Đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, An Giang mong muốn lập kỳ tích

Địa phương
10:41 AM 20/12/2022

Thời gian gần đây, An Giang liên tục tổ chức hội nghị để tìm kiếm giải pháp tối ưu đưa nông nghiệp lên giai đoạn mới là phát triển theo chiều sâu. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN và PTNN An Giang.

Phóng viên: Trong vòng nửa cuối năm 2022, tỉnh An Giang đã có ít nhất 3 cuộc hội thảo, hội nghị rất quy mô, chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp. Đó phải chăng là dấu hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tỉnh đang bước qua giai đoạn mới, đột phá mạnh mẽ để lập nên những kỳ tích mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN và PTNN An Giang.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN và PTNN An Giang.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm: Trong những tháng cuối tháng 2022, ngành Nông nghiệp An Giang đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 2 cuộc hội thảo quan trọng liên quan đến ngành nông nghiệp. Đó là Hội thảo khoa học "Giải pháp phát huy vai trò của thị trường và doanh nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" tổ chức ngày 26/7; Hội thảo "Tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030" tổ chức ngày 10/8. Nhiều hội nghị khác của ngành nông nghiệp cũng được triển khai sau khi dịch Covd-19 qua đi.

Do bị tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên ngành Nông nghiệp hiện có những thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi trong năm 2022 tương đối ổn định và có tăng so cùng kỳ, đặc biệt là tăng quy mô sản xuất của các loại có giá trị kinh tế cao và sản lượng cá tra. Theo Cục thống kê tỉnh, tổng giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 591,4 USD, tăng cả về sản lượng và kim ngạch so cùng kỳ năm trước.

Con số thống kê cho thấy ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị về nông nghiệp, chúng tôi mong muốn tìm kiếm giải pháp tối ưu để phát triển Ngành Nông nghiệp trong giai đoạn mới là đi vào chiều sâu và đột phá mạnh để tạo nên kỳ tích mới.

Trong quá khứ, ngành nông nghiệp An Giang 2 lần lập nên kỳ tích: Năm 1988, sản lượng lúa của tỉnh cao nhất nước, đạt 1 triệu tấn và lĩnh vực thuỷ sản đi từ nuôi trồng nhỏ lẻ lên thành công nghiệp thuỷ sản với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt 300 triệu USD.

Phóng viên: Được biết, một trong những đột phá phát triển bền vững Ngành nông nghiệp An Giang trong thời gian qua là xúc tiến, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xin ông cho biết, những thành tựu trong công tác mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn An Giang thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Sĩ Lâm: An Giang được biết đến là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, đất phù sa trù phú, màu mỡ được bồi đắp bởi 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, nguồn nước ngọt quanh năm phù hợp phát triển cây lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi. Nông nghiệp An Giang vừa là thế mạnh, vừa là "trụ đỡ" nền kinh tế của tỉnh, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, cùng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, nhất là giai đoạn phục hồi và tăng trưởng. Ngành nông nghiệp An Giang đã xác định chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông và quy tụ nguồn lực của toàn xã hội, nhất là đột phá công tác xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân. Để tạo tiền đề phát triển nông, lâm thủy sản theo chiều sâu gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo nên chuỗi giá trị nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh.

Lĩnh vực lúa gạo: Đến nay, An Giang đã từng bước hình thành được các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản để các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ. Trong đó, tập trung lớn ở các doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty Cổ phần Quốc tế gia, Công ty Angimex Kikotu, Công ty Tấn Vương,...

Ngành chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng an toàn sinh học.

Ngành chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng an toàn sinh học.

Lĩnh vực thủy sản: Đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp: Tập đoàn Việt Úc (104 ha); Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (600 ha, với 150 ha ương giống); Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (140 ha). Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3 ha).

Lĩnh vực chăn nuôi: Tập đoàn THACO và Tập đoàn TH cũng đã quan tâm và đầu tư Dự án Trại heo nái-heo thịt công nghệ cao THAGRICO và Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn Mavin cũng đang khảo sát và chọn đầu tư dự án "Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt xuất khẩu". Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã thực hiện liên kết nuôi gia công các loại gia súc, gia cầm như heo, gà, vịt.

Lĩnh vực rau màu và trái cây: cũng thu hút các nhà đâu tư quan tâm, tiêu biểu Công ty Antesco đã và đang triển khai liên kết các vùng nguyên liệu đậu nành rau, bắp non, xoài keo; Dự kiến đầu tư xây dựng Nhà máy sơ chế Xoài và Nhà máy chế biến phân hữu cơ. Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát (thuộc Tập đoàn Andros-Asia) đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo theo tiêu chuẩn Global Gap.

Ngành nông nghiệp An Giang luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, tập đoàn triển khai hiệu quả các dự án đã, đang và sẽ đầu tư tại An Giang. Qua đó, dần hình thành các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt các ngành hàng chủ lực phát triển bền vững theo chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu. Giúp nâng cao giá trị nông sản An Giang, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn An Giang.

Đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, An Giang mong muốn lập kỳ tích.

Đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, An Giang mong muốn lập kỳ tích.

Phóng viên: Theo kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Lâm: Cụ thể trong năm 2023, giá trị tăng thêm Ngành Nông nghiệp dự kiến đạt 3,2 - 3,5%, theo đó, Ngành Nông nghiệp An Giang cũng đã chủ động xây dựng kịch bản để tăng trưởng theo chiều sâu cả 3 lĩnh vực: Thủy sản, tăng sản lượng cá tra, cá giống và các loài cá có giá trị kinh tế khác; Lĩnh vực trồng trọt thì chủ yếu tăng lúa chất lượng cao và tăng diện tích trồng cây ăn trái chất lượng cao; Chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh chăn nuôi bò sữa, heo thịt và gà thịt heo hướng công nghệ cao có liên kết với doanh nghiệp".

Về giải pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Cơ cấu lại Ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Tập trung triển khai kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 28/3/2022 phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (bao gồm sản lượng lồng bè) đạt gần 536 ngàn tấn, tăng 35,7 ngàn tấn so cùng kỳ; trong đó sản lượng cá tra khoảng 443 ngàn tấn, tăng 33 ngàn tấn so năm 2021.

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (bao gồm sản lượng lồng bè) đạt gần 536 ngàn tấn, tăng 35,7 ngàn tấn so cùng kỳ; trong đó sản lượng cá tra khoảng 443 ngàn tấn, tăng 33 ngàn tấn so năm 2021.

Tập trung thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp Hành Đảng Bộ tỉnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng. Thường xuyên cung cấp thông tin và dự báo lịch thời vụ, dự báo sâu bệnh, thị trường nông sản tới các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm định hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người sản xuất.

Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất "Cánh đồng lớn", mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất tuần hoàn gắn liên kết với doanh nghiệp theo chỗi giá trị.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ân - Văn Dương
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.