Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị cao

Xuất nhập khẩu
11:00 AM 21/05/2025

Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân.

Ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200.000 ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

Theo số liệu từ cơ quan hải quan, tính đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ, chiếm 5,47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.

Từ mức kim ngạch khiêm tốn 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã có bước phát triển vượt bậc, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và chính thức vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị cao- Ảnh 1.

Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8-9 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Thời điểm này, tại nhiều nhà vườn tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, giá dừa tươi đang được bán ở mức 150.000-170.000 đồng/12 trái; giá dừa khô được bán từ 200.000-210.000 đồng/12 trái (tùy chất lượng). Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Trung Quốc là một trong những thị trường tăng nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi vào Trung Quốc vào tháng 8/2024. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam trở thành nhà cung cấp dừa lớn thứ ba, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.

Trong khi các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng gặp khó tại thị trường Trung Quốc do vấn đề siết chặt kiểm dịch, thì với trái dừa, hiện lượng xuất khẩu vẫn rất tốt.

Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 2/2025, xuất khẩu dừa tươi Việt Nam đã thu về 13,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dừa tươi đạt 33,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh 46% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài dừa tươi, sản phẩm chế biến từ dừa xuất khẩu đi các nước cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã cung cấp 43,8 triệu USD các sản phẩm chế biến từ dừa cho nhiều nước trên thế giới, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2024.

Hiện xuất khẩu dừa Việt Nam được phân thành 4 nhóm doanh nghiệp với sản phẩm chính. Thứ nhất, doanh nghiệp, sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược. Nhóm ngành dừa này hiện có hơn 45 loại sản phẩm, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu, đóng góp khoảng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa cả nước.

Thứ hai, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp từ dừa với hơn 30 loại sản phẩm đa dạng. Cụ thể, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, mụn dừa giá thể, than gáo dừa, chất xử lý môi trường từ than và các loại máy móc cơ khí sản xuất chuyên ngành dừa. Loại hình này đang có khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thương mại không ổn định, đóng góp khoảng 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ nước dừa, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông… Nhóm này hiện có 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp khoảng 18% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Thứ tư, nhóm các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Trong thời gian tới, để ngành dừa phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng hơn đến việc chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sản phẩm từ dừa như dầu dừa, nước dừa đóng hộp, mỹ phẩm thiên nhiên và hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần được siết chặt hơn thông qua các hợp đồng bao tiêu dài hạn và mô hình sản xuất theo chuỗi.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hãng hàng không vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có quy mô thế nào? Hãng hàng không vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có quy mô thế nào?

Ngày 20/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg, chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways.