Đức tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khẩu năng lượng của Nga
Thủ tướng Đức đã phản đối lời kêu gọi trừng phạt năng lượng Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Trong bài phát biểu hôm 23/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga sẽ "ngay lập tức" gây ra suy thoái kinh tế ở Đức và trên toàn châu Âu. Trước Hạ viện Đức, ông Scholz nói rằng Đức sẽ chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong thời gian thích hợp nhưng việc cắt đứt mọi mối quan hệ ngay lúc này sẽ khiến nền kinh tế Đức rơi vào bị động.
"Chúng tôi sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga nhanh nhất có thể nhưng làm điều đó ngay lập tức đồng nghĩa với việc đẩy đất nước chúng ta và toàn châu Âu vào suy thoái. Làm như vậy, hàng trăm ngàn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước mép vực", ông Scholz nói.
Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã ảnh hưởng đến nhiều người dân và nó sẽ không chỉ dừng lại ở giá xăng hay hóa đơn khí đốt. Ngoài ra,, các lệnh trừng phạt cũng phải đạt được mục đích gây tổn hại lớn cho giới lãnh đạo Nga chứ không phải gây tổn thất lớn hơn cho các nước châu Âu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Phát biểu của ông Scholz chính là sự từ chối thẳng thừng cho lời kêu gọi của một số nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu, về một lệnh cấm nhanh chóng đối với xuất khẩu năng lượng của Nga. Lý do mà các nước này đưa ra chính là phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi IFO, Viện Nghiên cứu kinh tế có ảnh hưởng của Đức, cắt giảm dự báo tăng trưởng năm nay và nâng cao kỳ vọng lạm phát. Lý do không gì khác là ảnh hưởng từ chiến tranh và các lệnh trừng phạt.
Khi giá cả tăng đã bắt đầu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, Thủ tướng Đức đã công bố các biện pháp tiếp theo nhằm ngăn chặn ảnh hưởng.
Dẫu vậy, ông Scholz cũng nhấn mạnh quá trình thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đã bắt đầu. "Trong ngắn hạn, chúng tôi đang đảm bảo nguồn cung khí đốt, dầu và than đá bổ sung. Chúng tôi đang đa dạng hóa các nguồn cung cấp của mình và sẽ có những kết quả trong các tháng tới. Để làm như vậy, chúng ta phải nâng cấp các bến khí đốt tự nhiên hóa lỏng hiện có ở bờ biển phía tây châu Âu. Chúng tôi sẽ tăng tốc xây dựng chuỗi phân phối khí LNG nhanh hơn nhiều so với tốc độ hiện tại", Thủ tướng Scholz nói.
Không chỉ tiếp tục nhập khẩu năng lượng Nga, nhà lãnh đạo nước Đức cũng nói rằng lời kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraine sẽ không nên trở thành hiện thực. Một bước như vậy sẽ được Moscow coi là khiêu khích và gây ra thế chiến mới.
"NATO sẽ không phải một bên trong cuộc chiến. Đây chính là lẽ thường. Bất cứ điều gì khác đều sẽ là vô trách nhiệm", ông Scholz nhấn mạnh.
Hiện tại, Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, tác động của biện pháp trừng phạt này không quá lớn, nhất là khi chỉ một lượng nhỏ dầu mỏ của Nga được xuất sang Mỹ. Ngược lại, Moscow cung cấp 40% nhu cầu khí và 25% nhu cầu dầu mỏ của châu Âu. Việc tìm nguồn cung thay thế là điều không tưởng, nhất là khi các nước xuất khẩu dầu mỏ từ chối gia tăng sản lượng.
Tham khảo: Politico
Linh AnhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.